Ảnh Internet |
Mở ra nhiều cơ hội
Theo Hiệp định được ký kết, gần 90% dòng thuế giữa hai bên sẽ được cắt hoặc giảm về 0%, tương đương với 90% kim ngạch song phương giữa hai bên. Phía Việt Nam cắt giảm khoảng 87,7% tất cả các dòng thuế, tương đương với 94% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với EEU, với tỷ lệ cắt giảm ngay là 52,4%. Cam kết này sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của các thành viên EEU xuất khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, thông qua các hoạt động sản xuất, đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp trong EEU sẽ có cơ hội xuất khẩu sang các nước ASEAN, các nước tham gia TPP như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia...
Ngược lại, EEU sẽ xóa bỏ thuế quan một số lĩnh vực như: 95% thuế thủy sản sẽ được xóa bỏ nhập khẩu theo lộ trình 10 năm, trong đó 71% sẽ được cắt giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với sản phẩm dệt may, 85% sẽ được cắt giảm, trong đó 42% dòng thuế giảm về 0% trong vòng 10 năm; dày dép 77% sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu, trong đó 73% sẽ được xóa bỏ trong vòng 5 năm. Đây đều là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, nên khi Hiệp định được ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, EEUVFTA cũng quy định một số nội dung liên quan như xóa bỏ một số rào cản kỹ thuật đối với thương mại, sở hữu trí tuệ... Do vậy, Hiệp định sẽ là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các doanh nghiệp hai bên có thêm điều kiện phát triển quan hệ thương mại và đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam vào EEU và ngược lại đang chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (đối với Việt Nam là 4,2 tỷ USD/300 tỷ USD; EEU là 4,2 tỷ USD/900 tỷ USD). Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều chuyên gia tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga, đến năm 2020, kim ngạch song phương Việt Nam và EEU sẽ đạt từ 10 - 12 tỷ USD, gần gấp 3 lần năm 2014 nhờ EEUVFTA.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì?
Có thể nói, EEUVFTA sẽ đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp của các nước thành viên. Song trên phương diện là một đơn vị quản lý nhà nước có nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề:
Thứ nhất, cần nghiên cứu kỹ các quy định và các cam kết của Hiệp định và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp để thụ hưởng các ưu đãi sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Thứ hai, cần khảo sát kỹ các tuyến đường vận tải, kho tàng bến bãi để đảm bảo ưu thế cạnh tranh tốt nhất. Bởi Việt Nam - EEU có vị trí địa lý rất xa nhau, ít có thông tin liên quan đến các vấn đề này.
Thứ ba, cần lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp, an toàn. Cụ thể là thay vì thanh toán bằng ngoại tệ mạnh, như: USD, Euro... thì có thể thanh toán bằng đồng nội tệ như đề xuất của Chính phủ các bên tham gia.
Thứ tư, thành viên EEU là các quốc gia có yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó để hàng hóa có chỗ đứng lâu dài trên thị trường thì các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn đến việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định về chất lượng hàng hóa, đặc biệt hàng nông, lâm, thủy sản.
Ngoài ra, ông Dương Hoàng Minh cũng cho rằng, chính phủ các bên tham gia cần đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn và tổ chức, đồng thời, phối hợp tuyên truyền phổ biến những cơ hội mà Hiệp định mang lại cho mỗi doanh nghiệp. Bởi hiện nay, về phía Việt Nam, tháng 8/2015 Chủ tịch nước đã phê chuẩn EEUVFTA, trong thời gian, tới Liên bang Nga và các thành viên khác cũng cần sớm hoàn thành các thủ tục phê chuẩn Hiệp định. Bên cạnh đó, các thành viên tham gia FTA này cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp 2 bên đầu tư trên các lãnh thổ của nhau, tổ chức các hội trợ triển lãm, diễn đàn doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ hội giao thương giữa hai nước.