Giá dầu “bốc hơi” 6% vì mối lo Covid ở châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Với phiên lao dốc này, giá dầu trượt về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thế giới sụt khoảng 6% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (23/3), khi nhà đầu tư lo ngại rằng các biện pháp chống làn sóng Covid-19 của châu Âu và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp của khu vực này sẽ gây trở ngại cho sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London sụt 3,83 USD/thùng, tương đương giảm 5,9%, còn 60,79 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau chốt phiên với mức giảm 3,8 USD/thùng, tương đương giảm 6,2%, còn 57,76 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 9/2, hãng tin Reuters cho hay. Tuần trước, cả dầu Brent và WTI cùng giảm khoảng 7%.

Sau khi thị trường đóng cửa, giá dầu tiếp tục đi xuống. Giá dầu Brent có lúc giảm còn 60,27 USD/thùng và giá dầu WTI có thời điểm giảm còn 57,25 USD/thùng.

Dầu bị bán mạnh trong phiên ngoài giờ sau khi nguồn thạo tin cho biết báo cáo hàng tuần mà Viện Dầu lửa Mỹ (API) sắp công bố sẽ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tiếp tục tăng thêm 2,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/3, trong khi giới phân tích dự báo lượng tồn kho giảm 300.000 thùng.

"Con đường tới sự phục hồi nhu cầu dầu có vẻ đầy rẫy những trở ngại, vì thế giới tiếp tục phải chống chọi với đại dịch Covid-19", ông Bjornar Tonhaugen, trưởng bộ phận thị trường năng lượng thuộc Rystad Energy, nói với Reuters.

"Việc giá dầu tiếp tục giảm phiên này cho thấy sự điều chỉnh trong tuần trước là chưa đủ, và thị trường thời gian qua đã lạc quan thái quá và không đánh giá đúng mức rủi ro từ đại dịch".

Nhiều nước châu Âu phải áp lệnh phong tỏa mới hoặc gia hạn lệnh phong tỏa đang áp để ứng phó với một làn sóng Covid-19 thứ ba, khi số ca nhiễm mới có chiều hướng tăng mạnh.

Đức, nước tiêu thụ nhiều dầu nhất ở châu Âu, gia hạn phong tỏa đến ngày 18/4. Gần 1/3 nước Pháp bắt đầu phong tỏa từ hôm thứ Bảy.

Đồng USD tăng giá trong phiên ngày thứ Ba cũng gây áp lực giảm lên giá dầu.

Ngoài ra, thị trường dầu vật chất đang cho thấy sự suy yếu của nhu cầu do các nhà máy lọc dầu ở nhiều nơi trên thế giới đang bước vào giai đoạn bảo dưỡng định kỳ.

"Nhu cầu dầu vật chất đang yếu hơn nhiều so với những gì phản ánh ở giá dầu giao sau trong nhiều tuần nay", nhà nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản Lachlan Shaw thuộc National Australia Bank nhận xét.

Tin cùng chuyên mục