Giá dầu “bốc hơi” hơn 7% sau dòng tweet của ông Trump

Giá dầu thế giới giảm hơn 7% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đánh dấu phiên giảm tệ nhất trong hơn 4 năm...
Một giếng dầu ở vùng Permian Basin thuộc bang Texas, nơi được coi là "vựa dầu" của Mỹ - Ảnh: Reuters.
Một giếng dầu ở vùng Permian Basin thuộc bang Texas, nơi được coi là "vựa dầu" của Mỹ - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới giảm hơn 7% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đánh dấu phiên giảm tệ nhất trong hơn 4 năm, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế lên nốt 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York sụt 4,63 UDS/thùng, tương đương giảm 7,9%, chốt ở 53,95 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 19/6, đồng thời đánh dấu phiên giảm mạnh nhất tính theo giá trị phần trăm của loại dầu này kể từ tháng 2/2015.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau trượt 4,55 USD/thùng, tương đương giảm 7%, còn 60,5 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 13/6, và phiên này là phiên giảm mạnh nhất của dầu Brent tính theo giá trị phần trăm kể từ tháng 2/2016.

Kế hoạch áp thuế mới 10% lên hàng hóa Trung Quốc của ông Trump sẽ bắt đầu thực thi từ ngày 1/9. Động thái bất ngờ của ông Trump gây giảm sút những hy vọng vào khả năng Mỹ-Trung có thể đi đến một thỏa thuận kết thúc thương chiến - cuộc chiến đã gây sức ép lớn lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

"Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã gây thiệt hại lớn cho triển vọng nhu cầu năng lượng. Động thái của ông Trump càng làm gia tăng mối lo này", nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital Management phát biểu với hãng tin Reuters. "Thương chiến chắc chắn còn lâu mới kết thúc".

Trước phiên giảm mạnh này, giá dầu đã có 5 phiên tăng liên tiếp, nhờ lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh, căng thẳng ở Vùng Vịnh, và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, mức tăng chỉ ở mức hạn chế do nỗi lo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm tốc.

Ngoài ra, sản lượng dầu của Mỹ vẫn ở mức cao kỷ lục, trên 12 triệu thùng/ngày, cũng là một nhân tố khiến giá dầu khó tăng. Với mức sản lượng này, Mỹ hiện là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới và không còn phụ thuộc nhiều như trước đây vào nguồn dầu nhập khẩu từ Trung Đông.

Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu ở Texas, bang khai thác dầu nhiều nhất của nước này, tăng 16.000 thùng/ngày, đạt kỷ lục 4,97 triệu thùng/ngày trong tháng 5.

"Thị trường vốn đã lo ngại về những dự báo của giới phân tích rằng sản lượng dầu toàn cầu năm tới sẽ tăng nhiều hơn 1 triệu thùng/ngày so với nhu cầu", nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu.

"Nhưng giọt nước làm tràn ly trên thị trường dầu lại chính là việc ông Trump áp thêm thuế lên hàng Trung Quốc, khiến thị trường trở tay không kịp", ông Flynn nói.

Cũng theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, tổng nhu cầu dầu ở Mỹ trong tháng 5 giảm 98.000 thùng/ngày, còn 20,26 triệu thùng/ngày.

Từ đầu năm đến nay, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, tức nhóm OPEC+, đã hạn chế khai thác dầu để hỗ trợ giá năng lượng này. Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy trong tháng 7, sản lượng dầu của OPEC giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2011, chủ yếu nhờ nỗ lực giảm sản lượng của Saudi Arabia.

Tin cùng chuyên mục