Giá dầu châu Á biến động trái chiều trong phiên đầu tuần. Ảnh minh họa: Reuters |
Trong phiên giao dịch sáng ngày 23/7, giá dầu châu Á lên xuống trái chiều, trong bối cảnh các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) cảnh báo căng thẳng thương mại và địa chính trị đang trở thành một mối đe dọa ngày càng lớn đối với tăng trưởng toàn cầu
Cụ thể, trên thị trường Tokyo (Nhật Bản), giá dầu Brent đã tăng 2 xu Mỹ lên 72,85 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lại giảm 8 xu Mỹ xuống mức 68,18 USD/ounce. Trước đó, dầu WTI tăng 2 xu Mỹ trong phiên cuối tuần qua.
Kết thúc cuộc họp hai ngày tại Buenos Aires, Argentina cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 đã kêu gọi tăng cường đối thoại để hạn chế căng thẳng thương mại và địa chính trị nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Các cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn leo thang khi hai bên liên tục đưa ra những biện pháp áp thuế các mặt hàng xuất khẩu của nhau lên tới 34 tỷ USD. Thậm chí, mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ trị giá lên tới 500 tỷ USD.
Cuối tuần qua, các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm lượng giàn khoan dầu nhiều nhất trong một tuần kể từ tháng 3/2018 do giá dầu có xu hướng giảm.
Trong báo cáo cuối tuần qua của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm 5 giàn khoan dầu trong tuần tính đến ngày 20/7, đưa tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động ở nước này xuống 858 giàn. Năm ngoái, Mỹ có 764 giàn khoan dầu hoạt động.