Giá dầu đạt mức cao nhất hơn 1 tuần

Giới đầu tư dầu lửa “phập phồng” hy vọng về một kết quả tốt đẹp nào đó của vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung...
Các nhà báo thăm một cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia hôm 20/9/2019 - Ảnh: Getty/CNBC.
Các nhà báo thăm một cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia hôm 20/9/2019 - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, chốt ở mức cao nhất trong hơn 1 tuần, khi nhà đầu tư "phập phồng" hy vọng về một kết quả tốt đẹp nào đó của vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra ở Washington. Tuy nhiên, giá dầu vẫn chịu áp lực giảm khi OPEC một lần nữa đưa ra dự báo bất lợi về nhu cầu tiêu thụ dầu.

"Rõ ràng, thị trường đang tin rằng kết quả đàm phán thương mại Mỹ-Trung là điều quan trọng nhất. Họ cho rằng kết quả của vòng đàm phán này hoặc sẽ mở ra triển vọng tăng trưởng khả quan cho kinh tế toàn cầu, hoặc sẽ đẩy nền kinh tế thế giới vào bóng đen suy thoái", nhà phân tích cấp cao Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định trong một báo cáo được trang MarketWatch trích dẫn.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 11 tăng 0,96 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở 53,55 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ hôm 1/10, theo dữ liệu của Dow Jones.

Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 12 tăng 0,78 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 59,1 USD/thùng, mức cao nhất kể từ hôm 30/9.

"Các thông tin trái chiều về đàm phán Mỹ-Trung ở thời điểm này khiến việc dự đoán kết quả đàm phán là rất khó", một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định. "Nếu đàm phán đổ vỡ, giá dầu có thể sụt giảm sâu vì thị trường sẽ gia tăng mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu. Nếu hai bên đạt một thỏa thuận giới hạn, giá dầu có thể tăng mạnh".

Sau ngày đàm phán đầu tiên, Mỹ và Trung Quốc cùng phát đi những tín hiệu tích cực.

"Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất, rất tốt đẹp với Trung Quốc", Tổng thống Donald Trump nói với báo giới và cho biết ông sẽ gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng vào ngày thứ Sáu. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cùng ngày đăng một số thông tin khả quan, nói rằng các nhà đàm phán nước này đã sẵn sàng hơn trên bàn đàm phán và muốn tránh căng thẳng leo thang.

Hôm thứ Tư, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin nói Mỹ-Trung có thể đạt một thỏa thuận về tiền tệ và hoãn kế hoạch áp thêm thuế lên hàng hóa của nhau vào tuần tới. Tờ New York Times nói ông Trump có ý định nới trừng phạt đối với hãng công nghệ Trung Quốc Huawei.

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày thứ Tư nói rằng phái đoàn Trung Quốc có thể rút ngắn đàm phán và lên đường về nước sớm.

Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 10/10, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2019, nhưng giữ nguyên dự báo cho năm 2020. Thông tin này gây áp lực giảm lên giá dầu.

Mức tăng của giá dầu trong phiên ngày thứ Năm còn bị hạn chế bởi dữ liệu cho thấy lượng tồn kho dầu lửa tăng lên của Mỹ - nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới hiện nay. Báo cáo hàng tuần được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA) công bố hôm thứ Tư cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tăng 2,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/10, mức tăng lớn gấp đôi dự báo.

Phát biểu bên lề một sự kiện của ngành ở London, Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo nói OPE và Nga cùng các đồng minh khác không loại trừ khả năng đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng sâu hơn trong cuộc họp nhóm diễn ra vào tháng 12 năm nay. Theo thỏa thuận được thực thi từ đầu năm đến nay, OPEC và đối tác giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng mỗi ngày.

Tin cùng chuyên mục