Sản lượng của OPEC trong tháng 4 có thể đã cao hơn nếu không có các sự cố gây gián đoạn nguồn cung dầu tại Kuwait, UAE, Venezuela và Nigeria - Ảnh: Bizmology. |
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng Năm, giá dầu giảm sau thông tin sản lượng dầu tháng 4 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng cao và bởi nhà đầu tư trên các thị trường đẩy mạnh chốt lời, theo tin từ Reuters.
Sản lượng dầu của OPEC trong tháng 4/2016 tăng 170 nghìn thùng/ngày lên mức 32,64 triệu thùng/ngày, gần sát với mức cao kỷ lục trong nhiều năm mới được thiết lập cách đây vài tháng. Sản lượng xuất khẩu dầu tháng 4 của Iraq đặc biệt tăng mạnh. Bên ngoài OPEC, sản lượng của Nga cũng tăng nhanh trong tháng 4.
Tính toán của ngân hàng Commerzbank cho thấy, sản lượng của OPEC trong tháng 4 có thể đã cao hơn nếu không có các sự cố gây gián đoạn nguồn cung dầu tại Kuwait, UAE, Venezuela và Nigeria.
Ngoài ra, thông tin mới công bố ngày hôm qua cho thấy dự trữ dầu tại khu vực dự trữ quan trọng của Mỹ là Cushing, Oklahoma tăng 871 nghìn thùng trong tuần kết thúc ngày 29/4/2016.
Trong tháng 4/2016, giá dầu Brent tăng được 21,5% và như vậy có tháng tăng mạnh nhất trong 7 năm.
Chốt phiên ngày thứ Hai, giá dầu Brent giao tháng 6/2016 trên thị trường London giảm 1,55 USD/thùng, tương đương 3,3% xuống 45,81 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI cùng kỳ hạn trên thị trường New York giảm 1,14 USD/thùng tức 2,48% xuống 44,78 USD/thùng.
Không ít chuyên gia đang cảnh báo về khả năng giá dầu sẽ giảm sâu trở lại sau khi tăng cực kỳ ấn tượng trong tháng 4/2016.
Trong báo cáo nghiên cứu mới nhất về thị trường dầu, các chuyên gia thuộc London Economics nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giá dầu ngừng tăng và trở lại xu thế giảm giá. Chúng tôi đã hạ dự báo mức trung bình của giá dầu năm 2016 xuống dưới mức 45 USD/thùng, thấp hơn mức đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai”.
Các chuyên gia thuộc Morgan Stanley cũng đưa ra quan điểm tương tự, họ cho rằng ở hiện tại khi mà các công ty năng lượng đang đẩy mạnh sản xuất dầu để chuẩn bị cho việc nhu cầu sử dụng dầu tăng cao trong mùa hè thì số liệu lại cho thấy nhu cầu dầu không tăng cao tương ứng. Chính vì vậy, Morgan Stanley cảnh báo về khả năng tình trạng dư cung sẽ tiếp diễn, vì thế giá dầu không thể tăng cao.
Trong khi đó, giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khẳng định nếu kinh tế thế giới thời gian tới không có cú sốc nào bất ngờ thì chắc chắn giá dầu đã lập đáy. Trong tháng vừa qua dù sản lượng OPEC tăng nhưng sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC dự kiến đã giảm sâu nhất trong 20 năm.
Tại buổi họp mới đây của nhóm G7, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, ông Ernest Moniz, khẳng định sản lượng dầu tại Mỹ năm 2016 đã giảm 600 nghìn thùng/ngày so với mức trung bình 9,6 triệu thùng của năm 2015.
Ở Mỹ, ngành năng lượng đã đến thời kỳ thoái trào và đào thải khi mà số lượng các công ty năng lượng đóng cửa ngày một nhiều hơn. Trong tuần trước, tập đoàn Ultra Petroleum đã phải nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ.