Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg. |
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,26 USD/thùng, tương đương tăng 1,5% đạt 83,65 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 84,6 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,17 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 80,52 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu WTI có lúc đạt 82,18 USD/thùng, cao nhất kể từ cuối 2014.
Đà phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới, vào đúng thời điểm sản lượng dầu toàn cầu tăng chậm vì các nước sản xuất dầu chủ chốt đã mạnh tay giảm sản lượng trong thời gian đại dịch. Ngoài ra, các công ty dầu khí lớn cũng chú trọng việc trả cổ tức cho cổ đông trong những năm gần đây thay vì đầu tư vào những mỏ mới. Bên cạnh đó, các chính phủ còn đối mặt sức ép phải đẩy nhanh cuộc dịch chuyển sang năng lượng sạch.
Một quan chức Chính phủ Mỹ ngày 11/10 nói rằng Nhà Trắng giữ nguyên lời kêu gọi các nước sản xuất dầu “hành động thêm” và cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo dõi sát mọi diễn biến giá xăng dầu.
Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+, đã từ chối đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng. Hồi tháng 7, nhóm này nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày để dần khôi phục phần sản lượng đã cắt giảm trong thời gian đại dịch. Nếu so với trước đại dịch, sản lượng dầu của OPEC+ hiện thấp hơn 5,8 triệu thùng/ngày.
Trong cuộc họp vào đầu tháng này, OPEC+ giữ nguyên tốc độ tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong mấy tháng tới đây, thay vì tăng mạnh hơn như lời kêu gọi của một số nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ.
Giá năng lượng đã tăng vọt lên những mức kỷ lục trong những tuần gần đây do tình trạng khan hiếm nguồn cung ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Giá khí đốt tự nhiên tăng phi mã đã khiến các nhà máy phát điện chuyển sang dùng dầu thô.
“Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào sự khan hiếm nguồn cung vào thời điểm mà nhu cầu có vẻ tăng vọt”, nhà phân tích Matt Smith thuộc Kpler phát biểu. “Ngoài ra, còn có sự dịch chuyển từ khí đốt tự nhiên sang dầu vì giá khí đốt quá cao. Tất cả đều là những nhân tố đẩy giá dầu lên”.
Các nhà phân tích ước tính rằng việc dịch chuyển từ khí đốt sang dầu có thể làm gia tăng nhu cầu dầu thô thêm 250.000-750.000 thùng/ngày.
Tại Ấn Độ, một số bang đang trải qua tình trạng mất điện liên miên vì thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các mỏ than ở vùng Nội Mông tăng mạnh sản lượng vì giá điện ở nước này được điều chỉnh tăng.
“Nói chung, nhu cầu năng lượng ở châu Á và châu Âu đều đang rất mạnh, dù chưa bước vào đợt tiêu thụ năng lượng mạnh trong mùa đông. Giá dầu có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn”, Chủ tịch Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates nhận định.