Giá dầu lao dốc dù OPEC+ kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, cho dù nhóm OPEC+ tuyên bố gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng...
OPEC và đồng minh đã nhất trí gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng dầu - Ảnh: Reuters.
OPEC và đồng minh đã nhất trí gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng dầu - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, cho dù nhóm OPEC+ tuyên bố gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng. Dữ liệu xấu về ngành sản xuất toàn cầu khiến giới đầu tư lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế giảm tốc sẽ làm nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau giảm 2,84 USD/thùng, tương đương giảm 4,8%, còn 56,25 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 2,66 USD/thùng, tương đương giảm 4,1%, còn 62,4 USD/thùng.

Kết thúc cuộc họp hai ngày tại Vienna, Áo, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+ nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 3/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu. Đây là thỏa thuận giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày mà OPEC đã thực thi trong 6 tháng đầu năm nay.

"Thị trường có vẻ hơi thất vọng một chút khi OPEC không tăng mức cắt giảm sản lượng. Hoặc thị trường cũng có cảm giác rằng nhu cầu tiêu thụ dầu thực sự xấu", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định về nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh phiên này.

Những dấu hiệu về sự giảm tốc tăng trưởng toàn cầu - nhân tố có thể gây thiệt hại tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ năng lượng - đồng nghĩa với việc OPEC+ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn nhằm hỗ trợ giá dầu thông qua kiềm chế nguồn cung.

"Đây là một việc làm tối thiểu mà OPEC+ có thể nhất trí để ngăn một đợt giảm sâu của giá dầu. Các nước thành viên OPEC nhấn mạnh rằng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay đã giảm còn 1,14 triệu thùng mỗi ngày, trong khi nguồn cung dầu ngoài OPEC dự kiến sẽ tăng 2,14 triệu thùng/ngày", nhà phân tích Tamas Varga thuộc PVM nhận định trong một báo cáo được hãng tin Reuters trích dẫn.

"Có vẻ như phía nguồn cung của phương trình dầu lửa sẽ hỗ trợ cho giá dầu, nhưng mối lo về nhu cầu đang khiến giới đầu tư thận trọng", ông Varga nói.

Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí nối lại đàm phán thương mại, nhưng hoạt động của các nhà máy từ châu Âu sang châu Á giảm sút trong tháng 6, còn ngành sản xuất của Mỹ có mức tăng trưởng yếu nhất trong 3 năm. Những dữ liệu này khiến thị trường không thể tránh khỏi nỗi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai tuyên bố bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa Mỹ và Trung Quốc cũng phải có lợi hơn cho Mỹ, vì ông cho rằng Trung Quốc đã "lợi dụng Mỹ trong nhiều năm". Tuyên bố này khiến giới quan sát hoài nghi về khả năng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận kết thúc cuộc chiến thương mại.

Giới đầu tư hiện đang chờ bản báo cáo việc làm công bố vào ngày thứ Sáu tuần này, với kỳ vọng 160.000 công việc mới được tạo ra trong nền kinh tế Mỹ trong tháng 6, sau khi tăng trưởng việc làm có sự giảm sút mạnh trong tháng 5. Báo cáo này sẽ là cơ sở để đánh giá về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất.

Ngoài ra, thị trường cũng tiếp tục dành sự quan tâm cho lượng dầu tồn kho của Mỹ trong báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng. Tồn kho dầu liên tục tăng của Mỹ thời gian gần đây là một nguồn sức ép giảm giá không nhỏ đối với "vàng đen".

Tin cùng chuyên mục