Giá dầu thế giới sụt xuống mức thấp nhất 14 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi có những dấu hiệu mới về sự dư cung ở Mỹ và tâm lý nhà đầu tư bị đè nặng bởi nỗi lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau mất 1,32 USD/thùng, tương đương giảm 2,6%, còn 49,88 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu WTI đóng cửa dưới mức 50 USD/thùng kể từ tháng 10/2017.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau mất 0,67 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 59,61 USD/thùng.
Giá dầu lao dốc sau khi dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Genscape cho thấy tồn kho dầu ở Cushing, Oklahoma tăng hơn 1 triệu thùng trong thời gian từ 11/12-14/12.
Giới giao dịch vốn theo dõi chặt chẽ lượng dầu tồn kho ở Cushing, bởi đây là điểm giao hàng của các hợp đồng dầu tương lai và tập hợp gần như tất cả các loại dầu thô được giao dịch ở Mỹ.
"Con số ở Cushing cao hơn dự kiến… cho thấy nguồn cung tăng và nhu cầu suy yếu. Thị trường rất lo lắng về điều này", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét.
Cả giá dầu WTI và Brent đều giảm khoảng 30% trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 11, khi lượng cung dư thừa khiến mức tồn kho dầu toàn cầu tăng mạnh. Tuy nhiên, giá dầu đã ổn định hơn trong vòng 3 tuần trở lại đây, dao động trong vùng tương đối hẹp do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga cam kết cắt giảm sản lượng.
Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày này có thể không đủ để lập lại sự cân bằng trên thị trường dầu.
Giới thạo tin tiết lộ với Reuters rằng sản lượng dầu của Nga đã đạt mức kỷ lục 11,42 triệu thùng/ngày trong tháng 12.
Không chỉ nỗi lo thừa cung dầu, mối lo ngày càng lớn về sự giảm tốc của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và châu Âu cũng là lý do để nhà đầu tư bán tháo dầu và các tài sản khác.