Giá dầu lên cao nhất 6 tuần

Giá dầu đi lên trong bối cảnh nhà đầu tư “loay hoay” giữa những thông tin trái chiều về đàm phán thương mại Mỹ-Trung...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg/MarketWatch.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg/MarketWatch.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và cả tuần này, trong bối cảnh nhà đầu tư "loay hoay" giữa những thông tin trái chiều về đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Theo trang MarketWatch, dầu đã sụt giá vào đầu phiên, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông chưa nhất trí rút lại thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc. Trước đó, vào hôm thứ Năm, giới chức Mỹ và Trung Quốc tuyên bố hai bên đã nhất trí dỡ dần thuế quan như một nội dung trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai bên đang nỗ lực hoàn tất để ký kết.

Tuy nhiên, giá dầu đã quay đầu tăng sau đó sau khi xuất hiện số liệu cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ giảm xuống. Theo báo cáo hàng tuần của công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, số giàn khoan hoạt động giảm 7 giàn trong tuần này, còn 684 giàn. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ giảm xuống, và so với cùng kỳ năm ngoái, số giàn khoan hoạt động đã giảm 202 giàn.

Nhờ đó, giá dầu WTI tại thị trường New York đóng cửa với mức tăng 0,09 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, đạt 57,24 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu WTI tăng 1,9%.

Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 1/2020 tăng 0,22 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, đạt 62,51 USD/thùng. Tuần này, giá dầu Brent tăng 1,3%.

"Những tín hiệu trái chiều về đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã gây sức ép giảm lên giá dầu. Thị trường đang lạc quan thận trọng về khả năng hai bên đạt một thỏa thuận… Xét tới việc giá dầu bị ảnh hưởng nhiều bởi nỗi lo tăng trưởng kinh tế, giá dầu có thể sụt giảm mạnh nếu những hy vọng về thỏa thuận Mỹ-Trung sụp đổ", nhà phân tích cấp cao Lukman Otunuga thuộc FXTM nhận xét.

Các bản tin ngày thứ Năm và thứ Sáu cũng nói rằng nội bộ Nhà Trắng có sự phản đối quyết liệt với ý định dỡ bỏ thuế quan. Điều này cho thấy một thỏa thuận với nội dung dỡ thuế sẽ không phải là chuyện dễ dàng.

Ngoài ra, giá dầu còn đang chịu áp lực giảm từ những dấu hiệu cho thấy nguồn cung tăng nhanh hơn nhu cầu. Báo cáo tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) công bố hôm thứ Tư cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng tuần thứ hai liên tiếp, với mức tăng 7,9 triệu thùng, vượt xa dự báo.

Tuy vậy, việc giá dầu tăng tuần này phản ánh sự hỗ trợ của các yếu tố gồm hy vọng về một thỏa thuận Mỹ-Trung, động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) và loạt số liệu tốt hơn dự báo của kinh tế Mỹ. Xu hướng lập kỷ lục liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ cũng giúp nâng đỡ những tài sản rủi ro như dầu thô.

"Giá dầu có vẻ sẽ tiếp tục mặc kẹt trong một vùng hẹp cho tới khi Mỹ-Trung thực sự đạt thỏa thuận thương mại, và ngã ngũ cuộc họp ngày 5-6/12 của nhóm OPEC+", nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới Oanda nhận định.

Theo dự kiến, cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, sẽ quyết định có cắt giảm thêm sản lượng. Hiện nhóm này đang thực thi thỏa thuận giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu.

Tin cùng chuyên mục