Giá dầu leo dốc?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá dầu hiện nay phản ánh tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu và nhiều khả năng sẽ đảo chiều tăng trở lại năm 2023 trong môi trường nguồn cung thắt chặt, nhu cầu gia tăng.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và Cơ quan Năng lượng quốc tế đều chung nhận định nhu cầu dầu mỏ sẽ hồi phục ổn định trong năm 2023. Ảnh: ST
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và Cơ quan Năng lượng quốc tế đều chung nhận định nhu cầu dầu mỏ sẽ hồi phục ổn định trong năm 2023. Ảnh: ST

Diễn biến thất thường của giá dầu

Giá dầu biến động phức tạp trong năm 2022, bắt đầu bằng việc tăng mạnh khi xảy ra xung đột tại Ukraine. Tính từ đầu năm 2022, giá dầu thế giới đã tăng đột biến khoảng 60% và đạt đỉnh cao nhất 14 năm vào tháng 3/2022, có thời điểm vượt mốc 120 USD/thùng. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đã khiến giá tất cả các loại năng lượng leo thang, kéo theo lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất.

Mặc dù vậy, giá dầu thế giới có xu hướng giảm trong nửa cuối năm. Kể từ tháng 6/2022, giá dầu đã đi xuống liên tiếp trong 4 tháng, giảm 37% xuống còn 76 USD/thùng vào ngày 26/9/2022, mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Từ thời điểm này cho tới cuối năm, giá dầu theo hướng đi ngang, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (còn gọi là OPEC+) có động thái can thiệp, cắt giảm sản lượng để kiềm chế đà giảm của giá dầu. Kỳ vọng thị trường Trung Quốc mở cửa, gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng đã có lúc giúp đưa nhiên liệu này ra khỏi vùng giá thấp và có động lực để tăng trở lại, ở mức 92,98 USD/thùng vào ngày 7/11, sau đó điều chỉnh về mức dưới 80 USD/thùng cho tới nay.

Giá dầu thế giới hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào: cung sản lượng (của OPEC+, Nga, Iran…); triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn; biến động địa chính trị; biến động giá của các đồng tiền mạnh trên thế giới…

Đi qua năm 2022, các thành viên thị trường cùng đồng tình với nhận định, thị trường dầu mỏ giao dịch thất thường theo tin tức mỗi ngày. Các yếu tố cơ bản đích thực gần như bị “ra rìa”, thay vào đó, yếu tố cốt lõi có xu hướng chuyển dịch theo biến động hàng ngày từ diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sức mạnh kiểm soát thị trường của OPEC+, chính sách zero Covid của Trung Quốc…

Đáng chú ý, giá dầu có thể biến động dữ dội hơn nhiều nếu không có sự can thiệp của OPEC. Theo nghiên cứu vừa được công bố của KAPSARC (Trung tâm Nghiên cứu dầu mỏ King Abdullah, Ả Rập Xê Út), OPEC đã giúp giảm 50% tính bất ổn của thị trường nhờ các chính sách điều chỉnh sản lượng. Với sự can thiệp của OPEC, trong giai đoạn đại dịch, giá dầu tăng từ mức 18 USD/thùng lên 54 USD/thùng. Hiện tại, việc điều chỉnh sản lượng sau các cuộc họp của OPEC giúp giá dầu hạ nhiệt trên thị trường.

Diễn biến giá dầu trong năm 2022. Đơn vị tính: USD/thùng

Diễn biến giá dầu trong năm 2022. Đơn vị tính: USD/thùng

Giá dầu nhiều khả năng leo dốc năm 2023

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu nhiều khả năng sẽ leo dốc trong năm 2023 vì một số lý do.

Cụ thể, nguồn cung đang tăng chậm lại. Bất chấp sức ép từ Mỹ, OPEC đã giảm tốc độ tăng sản lượng khai thác dầu từ hơn 600 nghìn thùng/ngày vào tháng 7 và 8/2022 xuống còn hơn 100 nghìn thùng/ngày vào tháng 9. Ả Rập Xê Út mới đây cho biết, OPEC sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu bất cứ lúc nào. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang giải quyết vấn đề gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Tháng 9/2022, OPEC+ đã đồng thuận về việc sẽ giảm sản lượng từ tháng 10/2022 trước những lo lắng về giá cả trượt dốc, nhu cầu yếu ở Trung Quốc và các cuộc đàm phán với Iran. Việc cắt giảm sản lượng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với nhu cầu toàn cầu nên sẽ có rất ít tác động thực tế đến nguồn cung. Tuy nhiên, điều này cho thấy OPEC+ đang quyết tâm bảo vệ mức giá khoảng 100 USD/thùng.

Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) và nhóm các quốc gia G7 đã áp đặt trần giá dầu với sản phẩm từ Nga, biện pháp cấm vận mới nhất kể từ khi bắt đầu xung đột Nga - Ukraine. Dù chưa thể đoán định biện pháp này sẽ tác động như thế nào tới hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga, nhưng chắc chắn nguồn cung trên thị trường tiếp tục trong tình trạng thắt chặt, nhất là khi Nga đe dọa sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ cho các quốc gia chấp thuận giá trần.

Căng thẳng Nga - Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt/cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến giá dầu (và cả khí đốt) tăng mạnh. Châu Âu là đối tác năng lượng chính của Nga. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng xuất khẩu sản phẩm dầu và dầu thô của Nga. Trong năm 2021 (thời điểm trước xung đột Nga - Ukraine), EU nhập khẩu từ Nga 2,2 triệu thùng dầu thô/ngày (chiếm khoảng 27% sản lượng nhập khẩu của EU, 35% trong số này được Nga cung cấp cho EU thông qua đường ống khí đốt), 1,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế/ngày và 0,5 triệu thùng dầu diesel/ngày. Trong đó, Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất. Các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU và Anh đã cấm các tàu thuộc sở hữu của Nga hoặc mang cờ Nga ghé cảng của các nước này. Điều này khiến tàu Nga gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển dầu trên biển do phải trải qua hành trình dài hơn, khiến chi phí vận chuyển và nguy cơ tràn dầu tăng cao.

Bên cạnh đó, số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, nguồn cung từ dầu dự trữ có khả năng thu hẹp. Cuối tháng 12/2022, Bộ Năng lượng Mỹ báo cáo lượng dầu trong kho dự trữ chiến lược của nước này tính đến ngày 9/12 đã giảm 4,7 triệu thùng, còn 382,3 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 6/1/1984. Chính phủ Mỹ có thể cần mua một số lượng lớn để bù đắp vào nguồn dự trữ dầu chiến lược sau khi đã giải phóng gần 200 triệu thùng trong năm 2022 như một cách chống lại lạm phát giá nhiên liệu.

Ngoài ra, Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và mở cửa trở lại các thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại, từ đó làm tăng nhu cầu dầu. Báo cáo mới nhất cuối năm 2022 của OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều chung nhận định nhu cầu sẽ hồi phục ổn định trong năm 2023.

Cụ thể, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm, thậm chí rơi vào suy thoái, nhu cầu từ châu Âu yếu do kinh tế suy giảm, nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn nhất sẽ tới từ Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nền kinh tế này được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5% - 6% trong năm 2023. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng, nếu Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn việc phong tỏa dịch Covid-19, giá dầu có thể tăng lên mức 125 USD/thùng.

Trong năm 2023, Goldman Sachs dự báo, giá dầu có thể đạt 110 USD/thùng, dù nhiều yếu tố bất ổn có thể tác động mạnh tới diễn biến giá. Trong khi đó, ngày 14/12/2022, Morgan Stanley dự báo, giá dầu thô Brent sẽ tăng lên mức 110 USD/thùng tính tới giữa năm 2023, với lực hỗ trợ từ nhu cầu gia tăng và nguồn cung thắt chặt.

“Chúng tôi duy trì quan điểm về xu hướng tăng của giá dầu, khi nhu cầu từ thị trường toàn cầu phục hồi (các hãng hàng không quay trở lại hoạt động như mức trước đại dịch, thị trường Trung Quốc mở cửa…), trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt bởi hoạt động đầu tư khai thác mới ở mức thấp, rủi ro nguồn cung từ phía Nga, Mỹ kết thúc xả kho dầu dự trữ chiến lược và sự tăng trưởng chậm lại của dầu đá phiến Mỹ”, báo cáo của Morgan Stanley cho biết.

Ngày 19/12/2022, Bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hoá của Bank of America công bố báo cáo với dự báo giá dầu thô Brent sẽ giao dịch trung bình trên 100 USD/thùng năm 2023. Trong khi đó, Fitch Solutions nhận định, giá dầu Brent giao dịch trung bình trên 95 USD/thùng trong năm tới. Các báo cáo này đều cho thấy, giá dầu sẽ ở mức cao hơn so với thời điểm cuối năm 2022.

Tin cùng chuyên mục