Giá dầu thế giới đi xuống, sau khi IEA hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Phiên 13/8, giá dầu thế giới đi xuống, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo nhu cầu dầu năm 2020 do những chính sách hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Một trạm bơm dầu ở Luling, bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Một trạm bơm dầu ở Luling, bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Chốt phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 47 xu Mỹ (1%) xuống 44,96 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 43 xu Mỹ (1%) xuống 42,24 USD/thùng.

IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2020 với nhận định sự sụt giảm số lượt du khách di chuyển bằng đường không do đại dịch sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu khoảng 8,1 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ giảm 9,06 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn so với mức giảm 8,95 triệu thùng/ngày được đưa ra một tháng trước.

Hiện nay, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi bước đột phá về một gói kích thích kinh tế mới dành cho nước Mỹ, đồng thời theo dõi chặt chẽ mối quan hệ Mỹ-Trung trước các cuộc đàm phán thương mại vào ngày 15/8.

Về nguồn cung, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết ông không mong đợi những quyết định cắt giảm sản lượng “vội vàng” khi một ủy ban giám sát của OPEC và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào tuần tới.

Tháng trước, OPEC+ đã nới lỏng mức cắt giảm sản lượng xuống còn khoảng 7,7 triệu thùng/ngày cho đến tháng Mười Hai, thấp hơn mức giảm trước đó là 9,7 triệu thùng/ngày. Động thái này cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu đang dần cải thiện.

Kể từ giữa tháng Sáu, giá dầu Brent giao dịch trong khoảng 40-46 USD/thùng, còn giá dầu WTI dao động từ 37-43 USD/thùng. Chuyên gia Ehsan Khoman, tại MUFG nhận định thị trường đã chuyển từ tình trạng dư cung trong tháng 4-5/2020 sang thiếu hụt vào tháng 6/2020 và điều này đã giúp giá dầu giữ ở mức ổn định./.

Tin cùng chuyên mục