Giá dầu WTI trên sàn New York tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch ngày thứ hai (27/1) khi giảm 2,6%, xuống còn 52,78 USD mỗi thùng, đánh dấu phiên sụt giảm thứ năm liên tiếp. Trong phiên giao dịch, hợp đồng này từng có thời điểm giảm hơn 3% xuống mức 52,13 USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2019. Trước đó, dầu WTI đã ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 7, sau khi giảm 7,4%.
Dầu thô Brent trên sàn London cũng giảm 2,7%, xuống 59,01 USD mỗi thùng, đánh dấu sự mở đầu cho tuần giảm giá thứ ba liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2019.
Dịch viêm phổi cấp do virus mới thuộc chủng corona gây ra, lần đầu tiên được xác định vào cuối tháng 12 tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, đã khiến hơn 100 người thiệt mạng và hàng nghìn trường hợp được xác nhận mắc bệnh. Virus này đã lan sang 10 quốc gia khác, bao gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ - nơi trường hợp mắc bệnh thứ năm được xác nhận vào cuối tuần.
Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ vì quốc gia này là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, với mức kỷ lục 10,12 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2019. Đồng thời, Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan nước này.
"Rủi ro về sự thay đổi nhu cầu của thị trường đã xuất hiện trong nhiều tháng gần đây, nhưng virus corona khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn", nhà phân tích Michael Tran của RBC cho biết. "Những lo ngại về tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nhu cầu dầu mỏ đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và khiến giá dầu giảm năm phiên liên tiếp".
Ngày chủ nhật, Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia - Abdulaziz bin Salman nói rằng OPEC+ sẽ đẩy giá dầu tăng trở lại nếu cần, và lưu ý rằng việc bán tháo chủ yếu do yếu tố tâm lý và trạng thái tiêu cực của một bộ phận nhà đầu tư, mặc dù virus corona có thể tác động rất hạn chế đến nhu cầu dầu toàn cầu.
Để định lượng tác động của dịch bệnh mới đối với nhu cầu dầu, một số nhà phân tích đã sử dụng dữ liệu từ dịch SARS năm 2002 như một trường hợp tham khảo. Theo đó, JPMorgan dự báo, nếu viêm phổi Vũ Hán trở thành dịch theo kiểu SARS, điều này có thể khiến giá dầu giảm 5 USD mỗi thúng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác cho rằng bệnh viêm phổi Vũ Hán vẫn chưa phải là câu chuyện về nhu cầu toàn cầu, và ước tính về tác động của sự kiện tương tự SARS đối với giá dầu là "điều vô ích". "Virus corona nhanh chóng trở thành sự tò mò về mối đe dọa tiềm tàng hơn là lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ và tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020", Bill Herbert, nhà phân tích của Simmons Energy, đánh giá.