Giá lương thực thế giới đạt mức cao nhất trong 10 năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực và thực phẩm thế giới tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9/2021, đạt mức cao nhất 10 năm qua, chủ yếu do giá của ngũ cốc và dầu thực vật tăng mạnh.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chỉ số Food Price Index của FAO, dùng để theo dõi giá quốc tế của các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đạt trung bình 130,0 điểm vào tháng 9/2021 - mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu của FAO, giá hàng hóa nông nghiệp tăng mạnh trong năm qua do tình trạng mất mùa và nhu cầu tăng lên của Trung Quốc. Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 9 đã tăng 2,0% so với tháng trước. Nguyên nhân là giá lúa mì tăng gần 4% do xuất khẩu được thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh.

FAO cho biết, giá dầu thực vật trên thế giới đã tăng 1,7% trong tháng vừa qua, và đạt mức tăng hàng năm khoảng 60%, trong bối cảnh giá dầu cọ tăng do nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ và những lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động ở Malaysia. Hợp đồng tương lai dầu cọ thô đã tăng thêm vào đầu tháng 10, đạt mức cao kỷ lục khi thị trường dầu thô tăng mạnh đã hỗ trợ thêm cho các loại dầu thực vật được sử dụng trong dầu diesel sinh học.

Giá đường toàn cầu tăng 0,5% trong tháng 9 do lo ngại về thời tiết bất lợi ở nước xuất khẩu hàng đầu là Brazil đã được bù đắp một phần nhờ nhu cầu nhập khẩu chậm lại và triển vọng sản xuất thuận lợi ở Ấn Độ và Thái Lan.

Đối với sản lượng ngũ cốc, FAO dự báo một vụ mùa đạt kỷ lục thế giới với 2,800 tỷ tấn vào năm 2021, tăng nhẹ so với 2,788 tỷ ước tính được đưa ra trước đó. Trong khi đó, tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới năm 2021 được dự báo đạt 2,811 tỷ tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với dự báo đưa ra trong tháng 8, chủ yếu để phản ánh việc sử dụng lúa mì trong thức ăn chăn nuôi gia tăng. Dự trữ ngũ cốc toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong niên vụ 2021 - 2022 nhưng vẫn sẽ ở mức an toàn.

Tin cùng chuyên mục