Giá phân bón tăng cao, DN trong ngành hứng khởi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù không thuộc nhóm nổi bật trên thị trường chứng khoán, nhưng thời gian vừa qua, cổ phiếu của nhiều công ty sản xuất và kinh doanh phân bón lại nhận được sự chú ý. Ngoài sự hưng phấn của thị trường chung thì nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khởi sắc của ngành này trong bối cảnh giá phân bón tăng cao và nhu cầu hồi phục.
Một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón ước tính doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón ước tính doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mới đây đã có ước tính về kết quả doanh thu bán hàng, lợi nhuận… 6 tháng đầu năm 2021 với diễn biến tích cực so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tổng sản lượng phân bón sản xuất khoảng 486.884 tấn, bằng 53% so với kế hoạch năm, tăng 13% so với nửa đầu năm 2020. Tổng sản lượng phân bón tiêu thụ khoảng 370.349 tấn, bằng 53% so với kế hoạch năm và tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với sản lượng tiêu thụ khả quan, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận tăng trưởng 32%, đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 60,3 tỷ đồng, bằng 168% kế hoạch năm và gấp gần 3 lần kết quả thực hiện của cả năm 2020.

Dù chưa công bố con số doanh thu, lợi nhuận, nhưng sản lượng sản xuất và tiêu thụ của chủ thương hiệu Đạm Phú Mỹ - Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí phần nào cho thấy kết quả tích cực. Cụ thể, từ đầu năm đến giữa tháng 6/2021, tổng sản lượng phân bón Phú Mỹ sản xuất đạt 403 ngàn tấn, bằng 41% kế hoạch năm, riêng sản lượng NPK Phú Mỹ tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Đối với các mặt hàng phân bón trong nước không sản xuất được phải nhập khẩu như kali, ngay từ đầu năm, Công ty đã xúc tiến các hợp đồng dài hạn, tìm kiếm các nguồn hàng mới. Nhờ đó, lượng ký hợp đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 170.000 tấn và đã cung ứng ra thị trường khoảng 90.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Để bảo đảm nguồn cung phân bón chất lượng cao ra thị trường, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng khan hàng, sốt giá, Tổng công ty đang tập trung nguồn lực vận hành ổn định các xưởng sản xuất tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, 6 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất urê quy đổi ước đạt 453,29 nghìn tấn. Sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 421,13 nghìn tấn, đạt 53% kế hoạch năm. Tổng doanh thu ước đạt 4.339 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch năm 2021. Nhận định nhu cầu phân bón trong nước tăng cao hơn cùng kỳ năm trước ngay từ quý I/2021, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đã dừng và giảm mục tiêu xuất khẩu để tập trung tối đa cho tiêu thụ nội địa và thị trường có hệ thống phân phối truyền thống. Với các thị trường đã xác lập đối tác như: Ấn Độ, Sri Lanka, Philippines, Bangladesh, Myanmar, Công ty tạm dừng không chào bán.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phân bón tăng mạnh 50% về lượng so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 576.800 tấn và giá trị thu về tăng trên 66%, đạt hơn 185,7 triệu USD. Giá xuất khẩu tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 322 USD/tấn.

Ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, từ những tháng cuối năm 2020 cho đến nay, giá phân bón, nhất là giá hai loại phân bón DAP và phân đạm urê đã tăng khá cao. Nhiều nguyên nhân dẫn đến giá phân bón tăng, trong đó có yếu tố giá nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, lưu huỳnh và amoniac là hai nguyên liệu chiếm tỷ lệ chi phí cao để sản xuất 2 loại phân bón DAP và MAP đã tăng giá khá nhanh. Hiện nay, giá lưu huỳnh về tới các nhà máy sản xuất đã tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn (tháng 10/2020) tăng lên khoảng 210 USD/tấn, giá amoniac tăng tới 60% (tháng 4/2021). Chi phí vận chuyển, nhất là vận chuyển bằng container cũng tăng chóng mặt. Ngoài ra, nguồn cung phân bón thế giới và trong nước đều sụt giảm do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 gần 2 năm qua, nhiều nhà máy phải dừng hoạt động hoặc giảm công suất sản xuất.

Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Lưu Hoàng Ngọc nhận định, phân bón đang bước vào chu kỳ tăng giá và dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

Cùng với kết quả kinh doanh tích cực đã đạt được, chênh lệch cung - cầu hứa hẹn tiếp tục mang đến vụ mùa bội thu cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón.

Tin cùng chuyên mục