Giá vàng trong nước lại quay về vị trí rẻ hơn thế giới. |
Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB đã làm cho thị trường rất phấn khởi và vì đã bật "đèn xanh" cho việc sẽ kích thích tiền tệ bằng cách cắt giảm lãi suất huy động, lãi suất tái cấp vốn và tăng số lượng các chương trình mua trái phiếu hàng tháng (nới lỏng định lượng).
Điều này đã làm cho đồng euro giảm mạnh và chỉ số đồng USD tăng cao, gây áp lực cho thị trường vàng. Theo đó, kim loại quý đã giảm hơn 13 USD vào đầu phiên Mỹ, xuống quanh mốc 1.238 USD.
Tuy nhiên, khi Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu, ông Mario Draghi bắt đầu buổi họp báo sau cuộc họp lại phát biểu rằng, tình hình kinh tế đã bớt u ám và ngụ ý có thể lãi suất không thấp thêm nữa. Nhận xét của ông Draghi làm thị trường hoang mang và đồng euro cùng với USD nhanh chóng đảo ngược. Điều này đã thúc đẩy giá vàng tăng vọt.
Từ mốc thấp dưới 1.240 USD, giá liên tiếp phá vỡ các mức 1.250 USD, đến 1.260 USD và vượt ngưỡng 1.270 USD khi chốt ngày ở 1.272 USD, tăng gần 20 USD. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng hơn 13 tháng qua. Cùng lúc, giá vàng giao tháng Tư chốt phiên 10/3 tăng 15,1 USD lên sát 1.272,6 USD một ounce.
Đà tăng tạm thời dừng lại và quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á. Tính đến 8h, mỗi ounce có giá 1.270 USD, giảm gần 2 đôla so với mở cửa. Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 34,18 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá cuối ngày hôm qua của vàng miếng trong nước xoay quanh 33,62-33,72 triệu đồng, tức rẻ hơn giá thế giới khoảng 460.000 đồng mỗi lượng.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng tương lai giao tháng Tư đóng cửa ở mức cao nên kim loại quý này vẫn có lợi thế trong ngắn hạn. Mức kháng cự vững chắc của vàng là 1.300 USD một ounce, còn mức hỗ trợ lâu dài là 1.250 USD.