Vàng đang được mua mạnh do tâm lý phòng trừ rủi ro của nhà đầu tư. |
Dù vậy, đà tăng đã đảo chiều trong phiên châu Á sáng nay. Đến 8h (giờ Hà Nội), mỗi ounce chỉ còn 1.239 USD, tương đương 33,4 triệu đồng một lượng (chưa thuế, phí). Giá mua bán vàng miếng trong nước trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (5/2) xoay quanh 33,08-33,38 triệu đồng.
Đồng đôla hôm qua mất giá và chứng khoán toàn cầu cũng đồng loạt lao dốc. Nhà đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng kinh doanh của các ngân hàng trong bối cảnh lãi suất thấp và tăng trưởng chậm. Vì thế, cả trái phiếu Chính phủ Mỹ và vàng đều được mua mạnh.
Giá vàng giao ngay tại phiên Mỹ hôm qua có lúc lên 1.260 USD một ounce - cao nhất từ tháng 2/2015. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất từ tháng 1/2009.
"Do nhiều lo ngại về kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hệ thống ngân hàng châu Âu, người ta đang đổ xô mua vàng. Vàng thường diễn biến ngược chiều với chứng khoán, chúng tôi dự báo giá cổ phiếu sẽ còn giảm và đầu tư vào kim loại quý này còn tăng nữa", Jeffrey Sica - Giám đốc Đầu tư tại Sica Wealth Management nhận xét.
Từ đầu năm, giá vàng giao ngay đã tăng gần 18%, sau 3 năm liên tiếp đi xuống. Giá vàng giao tháng 4 hôm qua cũng tăng 4,5% lên 1.247 USD một ounce. Đà tăng được nối dài sau khi trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ hôm qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - bà Janet Yellen cho biết có thể cân nhắc lãi suất âm.
Dự trữ tại SPDR Gold Trust - quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, cũng đã tăng 9% lên trên 22,57 triệu ounce. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống thấp nhất từ năm 2012.
Trên thị trường dầu thô, giá hôm qua tiếp tục xuống thấp do dự trữ tại Mỹ tăng và nhà đầu tư rời bỏ các tài sản rủi ro để tìm đến công cụ tú ẩn. Chốt phiên, dầu WTI giảm 4,5% xuống 26,21 USD một thùng - thấp nhất gần 12 năm. Dầu Brent cũng mất 2,5% xuống 30,06 USD.