Thị trường quốc tế ngày 28/6 biến động trong biên độ khá rộng 21 USD, có lúc mỗi ounce rơi xuống sát vùng 1.305 USD. Sau đó, giá phục hồi trước sự suy yếu của đồng bạc xanh và động thái mua bù bán.
Ngoài ra, việc đánh bom, xả súng liên tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến 36 người chết khiến nhà đầu tư lo ngại bất ổn xảy ra và tìm nơi trú ẩn tài sản vào vàng khiến giá tăng trở lại.
Đóng cửa ngày, mỗi ounce vàng giao ngay lên lại mức 1.311,5 USD, tăng khoảng 6 USD so với mức thấp trong ngày, nhưng nếu so với phiên liền trước, giá đã giảm 12,6 USD. Cùng lúc, giá vàng giao cuối tháng 6 cũng sụt 9,3 USD khi chốt phiên, xuống mức 1.374,8 USD.
Giá vàng trong nước sáng nay thấp hơn thế giới 550.000-630.000 đồng mỗi lượng.
Bước sang giờ giao dịch châu Á sáng nay, kim loại quý lại đang có xu hướng đi lên. Tính đến 8h10, mỗi ounce tăng gần 7 USD so với mở cửa, lên sát 1.318 USD. Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng 22.340 đồng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 35,50 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá mở cửa ngày của vàng miếng trong nước xoay quanh 34,87-34,95 triệu đồng, tức thấp hơn giá thế giới 630.000 đồng chiều mua và 550.000 đồng chiều bán ra.
Kể từ đầu năm, giá vàng tăng 254 USD (gần 24%) khi nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn tài sản an toàn vào vàng trước những dữ liệu ảm đạm của nền kinh tế. Và hiện nay, sau sự kiện Brexit, việc điều chỉnh lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ - Fed lại được thị trường thay đổi kỳ vọng 180 độ, tức thay vì tăng thì giờ đang có xu hướng mong đợi sự cắt giảm lãi suất. Đây là yếu tố bất lợi cho USD nhưng có lợi cho vàng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự kiện Brexit vẫn tiếp tục có lợi cho vàng trong trung hạn. Song song đó, các cuộc đòi trưng cầu dân ý tương tự Vương quốc Anh cũng là những nhân tố hỗ trợ tích cực cho vàng trong thời gian tới.