Giá vàng tăng trong bối cảnh chính trị thế giới bất ổn. Ảnh:PV.
Theo đó, thị trường đã tạo lực đẩy cho kim loại quý tăng vọt và dễ dàng phá vỡ ngưỡng 1.285 USD. Sau đó, lực mua kỹ thuật được châm ngòi càng khiến giá tăng lên, có lúc lên sát 1.290 USD.
Tuy nhiên, giá không thể phá tiếp ngưỡng này mà quay đầu giảm nhẹ. Chốt phiên giao dịch tại New York, giá giao ngay tăng gần 10 USD, đứng ở 1.285,8 USD. Các hợp đồng giao tháng 12 cũng chốt ngày quanh 1.290,5 USD, tăng khoảng 11,3 USD so với phiên liền trước.
Đà tăng tiếp tục lan sang phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á. Tính đến 7h40, giờ Hà Nội, mỗi ounce có giá 1.287,9 USD, tăng gần 2 USD so với mở cửa.
Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 35,32 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đóng cửa của vàng miếng trong nước xoay quanh 36,30 - 36,38 triệu đồng, tức cao hơn giá thế giới tầm một triệu đồng mỗi lượng.
Thị trường chứng khoán hôm qua suy yếu, trong bối cảnh rủi ro gia tăng. Nếu các chỉ số chứng khoán tiếp tục đi xuống, vàng và bạc có thể sẽ thu hút sự quan tâm mua vào từ dòng tiền chảy ra từ cổ phiếu.
Ngoài ra, đồng đôla Mỹ trong phiên giao dịch 10/8 đã rơi xuống mức thấp và cũng được xem là nguyên nhân khiến vàng tăng mạnh.
Các nhà đầu tư hiện đang dõi theo số liệu lạm phát của Mỹ dự kiến công bố vào cuối tuần này nhằm tìm kiếm thêm manh mối về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm danh mục trái phiếu 4.200 tỷ USD.
Hiện Fed vẫn thận trọng bởi lạm phát nước này còn thấp hơn khá xa so với mục tiêu 2%. Việc này khiến nhiều chuyên gia nghi ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Sự bất ổn định của nền kinh tế số một thế giới cùng với đó là những bất ổn chính trị ngày càng gia tăng như cuộc hủng hoảng chính trị giữa Nga - Mỹ hay Mỹ - Triều tiền khiến giới đầu tư không chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất trong năm nay hay không. Và điều này bất lợi cho USD, nhưng có lợi cho vàng.