Chốt phiên 7/5, mỗi ounce tăng gần 34 USD lên 1.718 USD. Trong phiên, giá có thời điểm chạm 1.722 USD – cao nhất kể từ cuối năm 2012. Giá sáng nay giảm nhẹ, hiện giao dịch quanh 1.712 USD một ounce.
Tuần trước, Mỹ tiếp tục có thêm hàng triệu người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Việc sa thải diễn ra khắp các ngành và có thể vẫn tăng tốc kể cả khi nhiều bang mở cửa trở lại. "Số liệu thất nghiệp vẫn cao, khiến nhiều người tìm đến tài sản an toàn", Michael Matousek – Giám đốc Giao dịch tại U.S. Global Investors nhận xét.
Một số liệu khác công bố hôm qua là sản lượng lao động tại Mỹ trong quý I giảm mạnh nhất hơn 4 năm và số giờ làm cũng giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Các số liệu kinh tế ảm đạm càng củng cố kỳ vọng chính phủ và ngân hàng trung ương các nước tăng kích thích để bảo vệ kinh tế toàn cầu khỏi Covid-19.
Diễn biến giá vàng thế giới các phiên gần đây.
Ngân hàng trung ương Anh hôm qua cho biết nước này có thể đang tiến đến thời kỳ kinh tế lao dốc tồi tệ nhất hơn 300 năm do các lệnh phong tỏa. Họ cũng để ngỏ khả năng tung thêm kích thích tháng tới.
"Khi số ca mắc Covid-19 vẫn tăng lên vài ngày qua, mọi người bắt đầu đặt câu hỏi về việc các bang tại Mỹ dỡ phong tỏa, do lo ngại việc lây nhiễm tăng tốc", Matousek nói. Đại dịch đã khiến hơn 3,7 triệu người lây nhiễm trên toàn cầu, kéo tụt tăng trưởng của thế giới và khiến nhà đầu tư tìm đến các công cụ trú ẩn như vàng.
Theo Bob Haberkorn – chiến lược gia thị trường tại RJO Futures, giá tăng vọt hôm qua còn do nhà đầu tư giao dịch trước. Họ kỳ vọng báo cáo việc làm Mỹ công bố hôm nay sẽ ảm đạm. Theo một khảo sát của Reuters, số việc làm tại Mỹ được dự báo giảm kỷ lục 22 triệu trong tháng 4 – lớn hơn nhiều mức giảm 800.000 thời khủng hoảng tài chính 2008.
Nhà đầu tư cũng đang theo sát diễn biến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc trừng phạt Bắc Kinh vì cách nước này xử lý đại dịch hồi đầu.