Tính từ đầu năm đến ngày 31/5/2023, có 32 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương giải ngân đầu tư công dưới 10% kế hoạch vốn. Ảnh: Lê Tiên |
Có 8 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Long An (40,06%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).
Có 39/52 bộ, cơ quan trung ương và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân đầu tư công, Bộ Tài chính nêu một số nguyên nhân ảnh hưởng công tác giải ngân đầu tư công. Đó là, một số dự án phải điều chỉnh phương án kết cấu để đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an. Đối với dự án đầu tư xây dựng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, do có sự khác nhau giữa pháp luật sở tại và pháp luật Việt Nam, nên công tác chuẩn bị đầu tư, công tác triển khai hồ sơ thiết kế thường kéo dài hơn rất nhiều so với dự án trong nước. Tình hình lạm phát toàn cầu, biến động về tỷ giá quy đổi thanh toán giữa VND và USD ảnh hưởng trực tiếp đến dự toán gói thầu đã được phê duyệt và công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn…
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.