Trong 18 nội dung của cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, có 12 nội dung cần được thông qua HĐND Thành phố. Ảnh: Lý Kiệt |
Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 54) tăng quyền tự chủ cho TP.HCM ở nhiều lĩnh vực, từ quy hoạch đất đai đến quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, bộ máy cán bộ. Điều cần làm lúc này là khả năng sáng tạo, năng động và tận dụng cơ hội của Thành phố để có thể huy động nguồn lực một cách hiệu quả nhất cho sự phát triển.
Về quản lý đầu tư, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố được quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 8 của Luật Đầu tư công.
Khi áp dụng cơ chế riêng về quản lý đầu tư, TP.HCM sẽ có thêm điều kiện để giải quyết các bức xúc về kết cấu hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, tạo động lực cho Thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Theo TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lâu nay có nhiều vấn đề trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, Thành phố phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, phải lấy ý kiến các bộ ngành theo quy trình, mất thời gian. Việc giải quyết cho tổ chức, cá nhân không kịp thời vì thế làm mất đi nhiều cơ hội. Như vậy, thay vì tháo gỡ từng vụ việc, chúng ta xây dựng một cơ chế chung để TP.HCM chủ động thực hiện nhưng vẫn đảm bảo sự giám sát của Chính phủ. Có như vậy mới tạo điều kiện thúc đẩy TP.HCM tăng trưởng nhanh hơn, phát huy tốt vai trò đầu tàu.
Mới đây, Thành phố cũng đã công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025" với Nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp cho Thành phố có nhiều cơ hội chủ động hơn để đầu tư tài chính và chủ động trong việc mời gọi doanh nghiệp tham gia vào xây dựng Đề án thành phố thông minh.
TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, Quốc hội đã cho phép TP.HCM tự chủ tài chính, tức là sẽ đánh giá tương quan giữa nguồn thu và nguồn chi của ngân sách nhà nước. Việc áp dụng cơ chế này giúp Thành phố đánh giá lại thực tế trong nguồn thu, nguồn chi của mình. Theo ông Tín, "TP.HCM sẽ đánh giá và lấy ý kiến của người dân thông qua HĐND Thành phố để sau đó có cách tính thuế, phí phù hợp chứ không phải muốn tăng sao thì tăng”, ông Tín nhận định.
Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, trong 18 nội dung của cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố, có 12 nội dung cần có quy định của HĐND Thành phố. Do đó, ngay kỳ họp của HĐND Thành phố từ 04 đến 07/12/2017, HĐND Thành phố sẽ có Nghị quyết về triển khai Nghị quyết của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Trên cơ sở Nghị quyết của Thành ủy và HĐND, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ có chương trình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội 03 năm 2018 - 2020 và kế hoạch triển khai hàng năm.