Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Hoài Tâm |
Tuy nhiên, các dòng chảy thương mại xuyên biên giới luôn rất “nhạy cảm” và luôn chuyển dịch phụ thuộc vào các yếu tố tại điểm đến đầu tư. Bảo toàn dòng vốn đầu tư khỏi các rủi ro pháp lý là một trong những mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư.
Tranh chấp ngày càng gia tăng
Theo Luật sư Phạm Mạnh Dũng, Hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers, hiện nay, các vướng mắc mà nhà đầu tư nước ngoài thường gặp phải là: thu hồi, điều chỉnh hoặc không điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; thu hồi quyền sử dụng đất; tranh chấp về thuế; tranh chấp về ưu đãi quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư; tranh chấp về hoạt động kinh doanh liên quan đến đầu tư... Các chủ thể tranh chấp cũng rất đa dạng như tranh chấp giữa các doanh nghiệp FDI với nhau; tranh chấp giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước Việt Nam; tranh chấp giữa nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Luật sư Phạm Mạnh Dũng cho biết, trung bình mỗi tuần, các cơ quan trung ương tiếp nhận một vụ tranh chấp. Còn ở các địa phương thì chưa có thống kê, báo cáo.
Còn theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trong năm 2017, các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài được giải quyết tại VIAC tăng nhanh, chiếm tới 51% tổng số các vụ tranh chấp và các tranh chấp có yếu tố FDI chiếm 28,48%.
Tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Theo nhiều chuyên gia, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trở thành một trong những động lực lớn đóng góp vào sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Nhận thức được điều đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp đã và đang có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài như thành công của Chính phủ Việt Nam. Cụ thể là Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ tập trung thực hiện là hoàn thiện thể chế pháp luật, tiếp tục minh bạch hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo tính sẵn có và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo quyền được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo hiệu lực thi hành của các bản án và phán quyết trọng tài. Đây là một trong các “điều kiện đủ” để tạo nên một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định và hấp dẫn. Cụ thể như, đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại đã mở ra hoạt động dịch vụ hòa giải thương mại.
Luật sư Ngô Thanh Tùng thuộc Công ty Luật Vilaf cho rằng, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang ngày càng được các nhà đầu tư FDI lựa chọn thay vì tố tụng ra Tòa án, bởi thực tế đã chứng minh tính ưu việt như thủ tục nhanh chóng, linh hoạt, bảo mật thông tin, thủ tục trọng tài tiến hành không công khai, cơ quan trọng tài trung lập...
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra, hiện vẫn còn một số bật cập trong việc áp dụng cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại gây ra lo lắng cho các doanh nghiệp FDI. Chẳng hạn như việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái với thỏa thuận hợp đồng; thụ lý giải quyết tranh chấp kể cả khi có thỏa thuận trọng tài... Tùy tiện hủy phán quyết của trọng tài cũng là một trong những lo ngại của các doanh nghiệp FDI, trong khi đây là điều kiện tiên quyết để họ lựa chọn trọng tài giúp giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, những quy định pháp luật chung chung trong các luật đã gây ra không ít tranh cãi khi áp dụng. Để tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư FDI, năng lực của đội ngũ trọng tài viên, luật sư cũng là một vấn đề cần phải được quan tâm, nâng cao.