Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện Dự thảo QĐ của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo Dự thảo, có 3 đối tượng áp dụng thí điểm. Một là đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, bao gồm: các nhà máy điện đã sẵn sàng đưa vào vận hành nhưng không đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá điện theo các Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg hoặc Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg; các nhà máy điện đang triển khai xây dựng, nằm trong quy hoạch phát triển điện lực, đã xác định chủ đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn theo quy định hiện hành và dự kiến sẽ đầu tư, nghiệm thu để vận hành thương mại vòng 270 ngày làm việc kể từ ngày triển khai thí điểm mua bán điện trực tiếp. Hai là khách hàng sử dụng điện lớn (các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên). Ba là các đơn vị điện lực (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN; đơn vị điều độ hệ thống điện và vận hành giao dịch thị trường điện; các tổng công ty điện lực thuộc EVN).
Tổng công suất các nhà máy điện tham gia chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp không quá 1.000 MW.
Với Dự thảo cơ chế trên, GS. VS. TSKH. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam cho rằng, mua bán điện trực tiếp từ cơ sở phát điện cho đến khách hàng sử dụng điện là xu thế tiến bộ, giảm thiểu khâu trung gian, việc mua bán được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên nhằm phù hợp với cả người sử dụng và bên sản xuất điện. “Đây là bước quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa những cam kết của Chính phủ COP 26 vừa qua”, ông Long nói.
Theo ông Long, trong thị trường điện lực cạnh tranh, mua bán điện trực tiếp là mô hình cần thiết triển khai. Khi cơ chế này được thực thi sẽ khuyến khích nhà đầu tư “đổ” vốn đầu tư vào ngành điện. “Khi nhà đầu tư định xây dựng cơ sở phát điện và tìm được khách hàng thì việc thực hiện dự án bao giờ cũng chắc chắn, ít rủi ro hơn”, ông Long nhận định.
Ông Bùi Văn Thịnh, Tổng giám đốc Công ty CP Phong điện Thuận Bình cho rằng, việc thực hiện cơ chế này, bên phát điện sẽ bán được điện với giá cao do có khách hàng sử dụng, nhất là các khách hàng muốn xây dựng thương hiệu với việc sử dụng năng lượng sạch. Ông Thịnh cho biết, thực ra cơ chế này đã được nhiều bên liên quan đề xuất khoảng chục năm nay. Khi cơ chế được ban hành sẽ khuyến khích các bên đầu tư và tăng cường sử dụng điện sạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, nếu cơ chế mua bán điện trực tiếp được thí điểm ở Việt Nam thì đó sẽ là bước hiện thực hóa các cam kết quốc tế tại COP 26. Theo ông Sơn, khách hàng từ các nước phát triển đang ngày càng khó tính hơn với việc yêu cầu sản phẩm được sản xuất từ năng lượng sạch, đặc biệt là các thương hiệu đa quốc gia. Việc giúp doanh nghiệp tiếp cận năng lượng sạch thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp không chỉ góp phần giúp các nhà sản xuất đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng mà còn quyết định đến môi trường đầu tư ở Việt Nam.