Mối lo lớn nhất trên thị trường dầu lửa lúc này là hoạt động mạnh mẽ của các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ có thể sẽ nhấn chìm những nỗ lực nhằm cắt giảm lượng dầu dư thừa trên toàn cầu của OPEC. |
Việc giá dầu thế giới liên tục lập đáy trong những phiên giao dịch gần đây đang tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư bán khống - những người kiếm lời bằng cách vay dầu để bán ra trước, rồi đợi cho giá giảm mới mua vào để trả lại và hưởng phần giá chênh lệch.
Vào hôm thứ Ba tuần này, giá dầu thô WTI tại thị trường New York đã lần đầu tiên trong 10 tháng rơi vào trạng thái thị trường giá xuống (bear market), giảm 21% so với mức đỉnh của năm 2017. Theo định nghĩa, thị trường giá xuống là khi giá một tài sản giảm từ 20% so với đỉnh gần nhất.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu thô Brent tại thị trường London theo chân giá dầu WTI bước vào trạng thái thị trường giá xuống.
Theo hãng tin Bloomberg, mối lo lớn nhất trên thị trường dầu lửa lúc này là hoạt động mạnh mẽ của các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ có thể sẽ nhấn chìm những nỗ lực nhằm cắt giảm lượng dầu dư thừa trên toàn cầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Ngoài ra, sự phục hồi sản lượng dầu của Syria cũng là một nguồn sức ép không nhỏ đối với giá dầu.
Theo số liệu hàng tuần do Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố ngày 21/6, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức 9,35 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Dữ liệu này ngay lập tức đẩy giá dầu giảm sâu hơn, bất chấp EIA cũng cho biết rằng dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 2,45 triệu thùng và dự trữ xăng giảm 578.000 thùng.
Chốt phiên, giá dầu Brent giảm 1,2 USD/thùng, còn 44,82 USD/thùng, thấp hơn 22% so với mức đỉnh hồi tháng 1. Giá dầu WTI giảm 0,98 USD/thùng, còn 42,53 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016.
“Có quá nhiều thông tin tiêu cực đối với giá dầu. Tâm lý bi quan đang đè nặng lên thị trường”, Giám đốc chiến lược đầu tư Maxwell Gold thuộc công ty ETF Securities LLC nhận định.
Ở mức hiện tại, giá dầu đã quay trở lại ngưỡng trước khi OPEC và một số nước xuất khẩu dầu lớn khác, bao gồm Nga, nhất trí cùng nhau giảm sản lượng vào tháng 11 năm ngoái.
Theo ông John Kilduff, nhà quản lý quỹ đầu cơ đến từ Again Capital LLC, giới đầu tư đã đặt nhiều hy vọng và sự tin tưởng vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga, nhưng thỏa thuận này đã chứng tỏ “không mang lại hiệu quả”.
Hiện tại đang một số nhân tố tưởng chừng có thể hỗ trợ giá dầu, như cơn bão nhiệt đới Cindy gây gián đoạn hoạt động tại một cảng dầu lớn trên Vịnh Mexico của Mỹ, việc Saudi Arabia phong Thái tử mới, hay việc Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iran tuyên bố OPEC có thể cắt giảm sản lượng sâu hơn.
Tuy nhiên, tất cả những thông tin này vẫn không thể ngăn việc dầu thô rơi vào trạng thái thị trường giá xuống và sự trở lại của các nhà đầu tư bán khống dầu.