Giữ ổn định vĩ mô nhưng không làm lỡ cơ hội phục hồi nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế thế giới, đặc biệt là lạm phát, đang rất khó lường và nhiều diễn biến chưa từng có tiền tệ, tạo ra áp lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh này, làm thế nào để vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững trở thành bài toán khó hơn.

Nền kinh tế phục hồi nhanh, nhưng thách thức phía trước rất lớn

Chiều 30/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc thảo luận về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá thời gian qua, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi trong bối cảnh quốc tế có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ; dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nước; lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá; cạnh tranh chiến lược gay gắt. Việc thay đổi định hướng chính sách ở nhiều nước làm thu hẹp thị trường, tác động đến các chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất, nhập khẩu, giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu có hạn, cho nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.

Đến thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432 tỷ USD…Ảnh: Internet

Đến thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432 tỷ USD…Ảnh: Internet

Trong bối cảnh đó chúng ta đã nỗ lực bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn (về thu-chi, xuất-nhập khẩu, năng lượng, lương thực-thực phẩm và lao động). Trong năm 2022, GDP quý II tăng 7,72% (tốc độ cao nhất trong 11 năm qua), góp phần quan trọng vào mức tăng 6,42% của 6 tháng đầu năm. Đến thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước được đưa về mức trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432 tỷ USD…

Tuy nhiên, Chính phủ xác định tình hình tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Tiếp tục phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả. Phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, thế giới đang có diễn biến khó lường chưa từng có tiền lệ. FED tăng lãi suất liên tục, đồng USD tăng rất mạnh, lạm phát là vấn đề toàn cầu, các nước phát triển như Anh, Mỹ trước chỉ lạm phát 1-2%, nay 8-9%... Kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhập khẩu nguyên vật liệu khi khối doanh nghiệp trong nước là khối nhập siêu, thặng dư là khối FDI,… Điều hành lãi suất, tăng trưởng tín dụng, đều đang chịu áp lực lớn từ lạm phát.

Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết, lạm phát đang là vấn đề toàn cầu, bất ổn lớn nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ lạm phát của các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi tăng nhanh. Tác động của lạm phát ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi toàn cầu. Nhiều ý kiến cho rằng có thể làm đình trệ nền kinh tế toàn cầu và lạm phát không chỉ là vấn đề ngắn hạn mà là trung dài hạn vẫn phải đối đầu…

Linh hoạt chính sách ứng phó

Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nghiên cứu chuyên đề về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Báo cáo Đề dẫn Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương trình bày tại cuộc thảo luận.

Theo Báo cáo, kinh tế thế giới phục hồi ngày càng chậm lại, khả năng xảy ra suy thoái ngắn hạn đang gia tăng. Lạm phát tăng cao, trở thành thách thức vĩ mô hàng đầu đối với kinh tế thế giới, nhiều khả năng trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn. Các nước tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ nhanh hơn, mạnh hơn, tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu. Xung đột tại Ucraina có thể kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, mà còn tiềm tàng rủi ro đến ổn định chính trị khu vực, toàn cầu; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực.

Nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH được giải ngân nhanh hơn, mạnh hơn. Tuy nhiên, rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất. Cần phải có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp; từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân.

Nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Ảnh: Thế Hải

Nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Ảnh: Thế Hải

Bộ KH&ĐT cho rằng, bối cảnh này đặt ra yêu cầu cần triển khai nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong ngắn hạn tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023)... nhưng cũng phải vừa thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phát triển trong trung và dài hạn… Chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

Chủ động nắm chắc tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển KTXH và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới; tăng trưởng kinh tế vừa trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, vừa là điều kiện để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, việc sử dụng đồng bộ, linh hoạt, có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và với các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế. Diễn biến nhanh, khó lường của tình hình kinh tế cũng đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh, có trọng tâm, hiệu quả, kịp thời. Đòi hỏi các bộ, cơ quan quản lý ngành cần chủ động, linh hoạt trong hành động không chờ chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề xuất từ các cơ quan khác.

Bên cạnh đó, theo Bộ KH&ĐT, thu ngân sách nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, tạo dư địa tài khóa để có thể chủ động xây dựng, đề xuất ngay các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân. Chính sách tài khóa cần nâng cao tính chủ động, có tính đến độ trễ trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có lộ trình, phương án đề xuất, báo cáo, điều chỉnh phù hợp.

Chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường truyền thông để góp phần tránh tâm lý kỳ vọng; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản trị, hoạt động để giảm lãi suất cho vay, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế…

Báo cáo đưa ra mục tiêu điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7%, bảo đảm các cân đối lớn đặt ra trong giai đoạn 2021-2025… Cần hỗ trợ tích cực cho phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, bảo đảm nhu cầu huy động vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, các cân đối lớn. Bảo đảm an sinh xã hội, an dân; hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, thu nhập thấp.

Tin cùng chuyên mục