Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg. |
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD tăng lên mức cao nhất 3 năm, đặt ra thách thức cho Trung Quốc trong lúc nước này vừa muốn đẩy mạnh xuất khẩu vừa phải ứng phó với bão giá nguyên vật liệu.
Trong phiên giao dịch ngày 25/5, tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường đại lục đạt 6,4052 Nhân dân tệ đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ tháng 6/2018. Trong vòng 1 năm trở lại đây, Nhân dân tệ đã tăng hơn 10% so với USD, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc từ đại dịch Covid và dòng vốn ngoại đổ vào nước này.
Tuy nhiên, sự tăng giá của Nhân dân tệ đang là một mối lo của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đương đầu với sự leo thang giá nguyên vật liệu, nguy cơ bong bóng tài sản, và những dấu hiệu tăng trưởng giảm tốc. Trong quý 1, năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 0,6% so với quý 4/2020, một mức tăng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
“Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nhận thức rõ rủi ro từ việc Nhân dân tệ tăng giá, xét tới đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế trong quý 1”, chiến lược gia Ken Cheung thuộc Mizuho Bank nhận định. Ông Cheung nói thêm rằng Nhân dân tệ tăng giá sẽ càng hút dòng vốn chảy vào Trung Quốc, theo đó đẩy giá tài sản lên cao hơn và cản trở nỗ lực của PBoC về bình ổn mức nợ trong nền kinh tế.
Mấy ngày gần đây, PBoC phát đi những thông điệp trái ngược về tỷ giá đồng nội tệ. Trong một bài viết hôm thứ Sáu, một quan chức PBoC nói rằng cần phải để Nhân dân tệ tăng giá để chống lại cơn sốt giá nguyên vật liệu thô. Ngay sau đó, bài viết này đã bị xoá.
Tiếp đó, Phó thống đốc PBoC Liu Guoqiang lại đưa ra dự báo rằng tỷ giá Nhân dân tệ sẽ “ổn định” và được quyết định bởi yếu tố cung-cầu cũng như tình hình thị trường quốc tế.
Nhân dân tệ tăng giá sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc chống chọi tốt hơn với sự leo thang của giá nguyên vật liệu thô toàn cầu và hạn chế rủi ro lạm phát. Tháng 4 vừa qua, giá xuất xưởng hàng hoá ở Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 3 năm, đặt ra nguy cơ lạm phát giá tiêu dùng.
Nhưng mặt khác, đồng nội tệ tăng giá cũng gây nguy cơ hình thành bong bóng tài sản và khiến hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài, trong khi xuất khẩu vẫn đang là một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế nước này. Tăng trưởng GDP quý 4 của Trung Quốc đã trở về mức trước đại dịch, nhờ sản lượng công nghiệp và xuất khẩu tăng mạnh, trong khi tiêu dùng trong nước vẫn đuối so với sự phục hồi chung của nền kinh tế.
Trung Quốc đến nay chưa có động thái mạnh tay nào để ứng phó với đà tăng chóng mặt của giá nguyên vật liệu đầu vào. Thay vào đó, Bắc Kinh mới chỉ đưa ra cảnh báo xử lý nghiêm việc đầu cơ đẩy giá nguyên vật liệu.
Giới hoạch định chính sách Trung Quốc đã canh cánh lo về bong bóng tài sản kể từ khi cắt giảm lãi suất vào năm ngoái để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch. Ông Guo Shuqing, người đứng đầu cơ quan giám sát ngân hàng Trung Quốc, hồi đầu năm nay đã cảnh báo về rủi ro bong bóng trên thị trường bất động sản nước này.
Hiện Trung Quốc chưa tiến hành nâng lãi suất trở lại, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy điều kiện tín dụng ở nước này đã bắt đầu thắt lại.