Giương cao ngọn cờ cải cách, tiên phong

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đất nước đang đứng trước những vận hội, cơ hội mới nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hiện thực hóa khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới; vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nền tảng cho thực hiện các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: Lê Tiên
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nền tảng cho thực hiện các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: Lê Tiên

TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đã chia sẻ với Báo Đấu thầu về một số mục tiêu, quan điểm, đột phá chiến lược của Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 (gọi tắt là Dự thảo Chiến lược 2021 - 2030).

Những điểm nhấn về đột phá chiến lược

Quan điểm quan trọng nhất là phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là kiềng 3 chân, tạo nền tảng cho thực hiện, đạt được các mục tiêu tăng trưởng bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, đến năm 2030 đạt mức thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD/người, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

3 đột phá chiến lược tại Chiến lược 2011 - 2020 là hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ có ý nghĩa, giá trị lâu dài. Dự thảo Chiến lược 2021 - 2030 vẫn tiếp tục xác định đây là 3 đột phá chiến lược, nhưng bổ sung, nhấn mạnh, cụ thể hóa một số nội hàm mới, phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Về thể chế, Chiến lược 2011 - 2020 lấy trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Dự thảo Chiến lược 2021 - 2030 tiếp tục các nội dung này, nhưng nhấn mạnh đến phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học - công nghệ. Làm sao để thị trường hóa các nhân tố sản xuất ở mức cao nhất, huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường. Đồng thời, hoàn thiện nâng cao chất lượng thể chế đồng bộ, hiện đại, đáp ứng bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là bộ phận chịu trách nhiệm chính trong xây dựng dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030); Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) trình Đại hội XIII của Đảng.

Về nhân lực, Chiến lược 2011 - 2020 nêu khái quát phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến Dự thảo Chiến lược 2021 - 2030, điểm nhấn là chú trọng phát hiện bồi dưỡng nhân tài, có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; phát triển nguồn nhân lực gắn liền với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, gắn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, bởi lẽ nếu không có khát vọng cho dân tộc hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, thì nhân tài cũng khó có cống hiến, đóng góp cao nhất, hiệu quả nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đây là một trong nhiều điểm nhấn quan trọng của Dự thảo Chiến lược 2021 - 2030.

Về hạ tầng, Chiến lược 2011 - 2020 xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại. Dự thảo Chiến lược 2021 - 2030 tiếp tục nội dung này, nhưng có trọng tâm, tập trung vào hạ tầng chủ chốt và hạ tầng kết nối; đồng thời phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Vai trò, nhiệm vụ sẽ lớn hơn, nặng nề hơn

Bộ KH&ĐT ngày nay và trước đây là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước luôn luôn là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng, Nhà nước. Bộ KH&ĐT đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực tế Bộ đã thể hiện tốt vai trò của mình. Đặc biệt, trong thực hiện Chiến lược 2011 - 2020, những nỗ lực, cố gắng và thành tựu đạt được của Bộ đã đóng góp tích cực vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện các đột phá chiến lược.

Tới đây, để thực hiện tốt Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, vai trò của Bộ càng lớn và phải quyết liệt hơn, tập trung vào các công việc lớn, hệ trọng. Thứ nhất là thúc đẩy cải cách, bởi vì thể chế hiện nay tuy có bước tiến mới nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện để đạt được mức độ thể chế đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập, thông lệ quốc tế. Bộ KH&ĐT cần tiếp tục khởi xướng, giương cao ngọn cờ đi đầu trong cải cách, đổi mới.

Thứ hai, Bộ phải tập trung nhiều nhất trong vấn đề đổi mới cơ cấu kinh tế, từ cơ cấu kinh tế hiện nay sang cơ cấu hiện đại hơn, phù hợp hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải cách cơ cấu nền kinh tế là vấn đề đặc biệt quan trọng mà không đơn vị nào khác ngoài Bộ KH&ĐT phải thực hiện, tham mưu. Giai đoạn tới trong chức năng nhiệm vụ của Bộ cần đặc biệt tập trung cho nhiệm vụ này.

Thứ ba, Bộ cần làm tốt việc huy động nguồn lực cho phát triển, vì thực hiện Chiến lược 2021 - 2030 cần nguồn lực rất lớn để có được tăng trưởng nhanh như Dự thảo đưa ra là bình quân 7%/năm. Cần tạo thể chế để huy động các nguồn lực không chỉ từ khu vực nhà nước, mà cả khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài. Hay vấn đề thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, không ai khác ngoài Bộ KH&ĐT phải thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh để Việt Nam trở thành nơi mà tất cả doanh nghiệp trên thế giới muốn đến làm ăn, doanh nghiệp trong nước có điều kiện vươn lên mạnh mẽ. Doanh nghiệp có mạnh, đất nước mới hùng cường. Và khi đất nước phát triển, người dân sẽ hưởng lợi từ thu nhập tăng lên, đời sống sung túc, hạnh phúc hơn.

Tin cùng chuyên mục