Gỡ “điểm nghẽn” cho doanh nghiêp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt "bão" dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh (HKD) trong bối cảnh Covid-19 được Chính phủ ban hành ngày 9/9 nhấn mạnh 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đối tượng này ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới.
Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 được Chính phủ ban hành yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển niêm yết công khai, minh bạch về giá cước vận tải biển. (ảnh: Internet)
Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 được Chính phủ ban hành yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển niêm yết công khai, minh bạch về giá cước vận tải biển. (ảnh: Internet)

4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hỗ trợ DN, HTX, HKD được đề cập tại Nghị quyết gồm: Thực hiện quyết liệt hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX, HKD phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch; Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, HTX, HKD; Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Đáng chú ý, đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, HTX, HKD, tại Nghị quyết, Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ đối với các bộ ngành, địa phương.

Cụ thể, với Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội trong tháng 9 này phải chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thành trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động, DN, HTX, HKD và các đối tượng sử dụng lao động khác; chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Yêu cầu các DN vận tải biển niêm yết công khai, minh bạch về giá cước vận tải biển; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các DN vận tải biển, chống tình trạng lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để tăng giá cước vận tải bất hợp lý, tăng gánh nặng chi phí cho DN, HTX, HKD.

Tại Nghị quyết, Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2021, lũy kế ít nhất có khoảng 1 triệu lượt khách hàng là DN, HTX, HKD được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; đại đa số các DN, HTX, HKD tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động.

Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông… cho các đối tượng này gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công Thương, các hiệp hội, đơn vị liên quan nâng cao năng lực đàm phán, công khai, minh bạch về giá cước và giá phụ thu ngoài giá cước dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho khách hàng sử dụng điện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật; đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách.

Với Bộ Tài chính, Nghị quyết nhấn mạnh, Bộ khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; triển khai chính sách thuế ưu đã đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng chống dịch Covid-19 sau khi được Chính phủ thông qua. Đồng thời, Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch Covid-19...

Tại Nghị quyết, Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xem xét miễn nộp phí công đoàn cho đoàn viên tại DN, HTX bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 và năm 2022. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép DN, HTX, HKD bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được giảm đóng kinh phí công đoàn trong năm 2021 và năm 2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn. “Trong quá trình sửa đổi Luật Công đoàn, nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét giảm mức đóng phí công đoàn”, Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết.

Bên cạnh đó, Nghị quyết nêu rõ, các địa phương căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương và nguồn huy động tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động tại các DN, HTX, HKD đóng trên địa bàn thông qua các cơ sở xét nghiệm. Cùng với đó, địa phương xét xét giảm mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục