Gỡ khó cho DN lớn, cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số doanh nghiệp (DN) mới thành lập liên tục tăng, nhưng mỗi tháng cũng có trên 14.000 DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Trong khối DN niêm yết, sự thu hẹp diễn ra theo một cách riêng: cổ phiếu bị cảnh báo, hạn chế giao dịch, hủy niêm yết đến chuyển sàn.
Novaland lỗ ròng 7.327 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 sau kiểm toán. Ảnh: Lê Tiên
Novaland lỗ ròng 7.327 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 sau kiểm toán. Ảnh: Lê Tiên

TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, khó khăn với DN có thể vì yếu tố vốn, thị trường hay biến động kinh tế toàn cầu, nhưng cũng có thể vì môi trường pháp lý và hành chính thiếu thuận lợi. Làm thế nào để nhanh chóng gỡ khó khăn, giúp DN trụ vững và góp sức cho tăng trưởng là câu hỏi đáng đặt ra.

Đơn vị kiểm toán - PwC Việt Nam không đưa ra kết luận ngoại trừ trên Báo cáo tài chính của Novaland nhưng cho biết, tại ngày 30/6/2024, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn. PwC nhận xét, Novaland đã vi phạm một số cam kết liên quan đến các khoản vay và trái phiếu doanh nghiệp; có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Novaland. “Công ty có thể không thu hồi được giá trị tài sản và thanh toán được các khoản nợ phải trả của mình trong điều kiện kinh doanh bình thường”, PwC viết.

Trong ngày báo cáo soát xét được công bố ngày 26/9/2024, ông NG Teck Yow, Tổng giám đốc Novaland có văn bản giải trình về khoản lỗ 7.327 tỷ đồng của công ty mẹ, hoàn toàn khác con số lãi 344,6 tỷ đồng trong báo cáo trước soát xét. Novaland cho biết, giá vốn hàng bán và chi phí khác tăng lên chủ yếu là do kiểm toán đề nghị trích lập dự phòng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp và tiền chậm nộp tiền thuê đất, sử dụng đất của dự án 30,106 ha Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, TP. Thủ Đức (Dự án Nam Rạch Chiếc), dự phòng giảm giá hàng tồn kho và chi phí thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư. Khoản “nặng” nhất là kiểm toán đề nghị trích 4.358 tỷ đồng dự phòng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp của Dự án Nam Rạch Chiếc. Đây là khoản tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được tính theo phương án giá đất tại thời điểm tháng 4/2017. Tuy nhiên, Novaland không đồng ý với việc xác định thời điểm tính tiền sử dụng đất là tháng 4/2017 do đây là dự án Novaland được hoán đổi với dự án 30,224 ha tại phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức - dự án mà Novaland đã hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng vào năm 2008 và hoán đổi dự án này cho Nhà nước.

Theo Novaland, Tập đoàn đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng chưa có kết quả. Ngày 11/9/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM có công văn đề nghị Cục Thuế TP.HCM tiếp tục tạm ngưng chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện các quyết định hành chính về quản lý thuế đối với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của Dự án Nam Rạch Chiếc để chờ kết quả giải quyết của cơ quan nhà nước. Novaland mong chờ kết quả cụ thể với hy vọng sẽ không phải thanh toán hàng nghìn tỷ đồng tiền thuê đất và sử dụng đất trong thời gian tới.

Dù với lý do gì, hệ lụy của việc DN lớn lỗ lớn, nợ lớn là xuất hiện những khoản nợ đến hạn không trả được, ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chủ thể khác.

Không riêng dự án trên, Novaland gặp khó tại nhiều dự án và nhiều lần có công văn kiến nghị các cơ quan chức năng gỡ khó. Riêng tại Đồng Nai, Tập đoàn là chủ đầu tư của 9 dự án và từ hơn 1 năm trước, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn đã thẳng thắn báo cáo cơ quan chức năng rằng, khi vướng mắc của các dự án chưa được giải quyết, chưa có phương án tháo gỡ cụ thể, Novaland chưa thể tiếp tục tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ do không có dòng tiền hoạt động. Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng gỡ khó cho DN này, nhưng đến nay, khó khăn vẫn tồn đọng, in hằn trong các con số trên báo cáo tài chính.

Cũng gặp khó về cơ chế, Công ty CP BOT Cầu Thái Hà ghi nhận lỗ lũy kế 437 tỷ đồng đến cuối năm 2023; 6 tháng đầu năm 2024, lỗ tiếp 35 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên mức 79,8% vốn điều lệ. 6 tháng đầu năm 2024, Công ty chỉ trả được 2,65 tỷ đồng nợ gốc cho ngân hàng. Đơn vị kiểm toán báo cáo bán niên cho Cầu Thái Hà nhận định, có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Là các DN hoạt động nhiều năm, quy mô rất lớn, nhưng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, HAGL Agrico, Thép Pomina… đang phải chịu những chế tài khắc nghiệt trên sàn chứng khoán, từ việc cổ phiếu bị cảnh báo, hạn chế giao dịch và mới đây là hủy niêm yết. Trong chia sẻ với cổ đông, lãnh đạo Thép Pomina - DN có 25 năm hoạt động, vốn điều lệ 2.797 tỷ đồng cho biết, đại dịch Covid-19 rồi thị trường bất động sản đóng băng, khiến doanh số của Công ty giảm mạnh, lỗ lớn. 6 tháng đầu năm 2024, Thép Pomina lỗ 504 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ 535 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023. DN này ghi nhận 3.339 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và trên 1.000 tỷ đồng nợ dài hạn, trong đó nhiều ngân hàng cho vay khoản lớn như BIDV (696 tỷ đồng); Vietcombank (423 tỷ đồng); Vietinbank (1.645 tỷ đồng)…

Dù với lý do gì, hệ lụy của việc DN lớn lỗ lớn, nợ lớn là xuất hiện những khoản nợ đến hạn không trả được, ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chủ thể khác. Trở lại với câu chuyện của Novaland - cái tên từng được vinh danh trong TOP 10, TOP 50 “DN phát triển bền vững” năm 2021, 2022, nhưng gần đây, sức khỏe tài chính của Tập đoàn làm nhiều người “mất ăn, mất ngủ”. Vay ngắn hạn của Novaland đến cuối tháng 6/2024 là 19.152 tỷ đồng, trong đó có trên 10.000 tỷ đồng là trái phiếu. Vay dài hạn là 17.353 tỷ đồng, trong đó có 16.016 tỷ đồng trái phiếu. Thông qua VPS, BIDV, MBS, SSI, Chứng khoán Dầu khí, Mirae Asset, Yuanta… làm tư vấn/đại lý phát hành, trái phiếu của Novaland được bán cho các nhà đầu tư (lãi suất từ 8 - 11,75%) và nhiều khoản trái phiếu đến hạn thanh toán năm 2023 nhưng phải giãn sang năm 2025 vì không trả được. Một số tổ chức tài chính quốc tế như Credit Suisse AG (chi nhánh Singapore), Seatown Private Credit Master Fund… đang là chủ nợ của Novaland; trong nước, Ngân hàng Quân đội - Chi nhánh Bắc Sài Gòn ghi nhận cho Novaland vay 935,3 tỷ đồng…

Một số doanh nghiệp hoạt động nhiều năm, quy mô rất lớn như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, HAGL Agrico, Thép Pomina… bị hủy niêm yết, chuyển sang UPCoM. Ảnh: Nhã Chi

Một số doanh nghiệp hoạt động nhiều năm, quy mô rất lớn như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, HAGL Agrico, Thép Pomina… bị hủy niêm yết, chuyển sang UPCoM. Ảnh: Nhã Chi

TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nhận định, các DN mới thành lập gặp khó khăn dẫn đến rút lui khỏi thương trường sẽ khác với khối DN hoạt động nhiều năm gặp khó khăn. Ông khuyến nghị cơ quan chức năng cần đánh giá chi tiết để tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp phù hợp, gỡ khó cho DN.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, một trong những lý do DN lớn gặp khó khăn là các dự án có quy mô lớn, như đầu tư hạ tầng hoặc các dự án bất động sản, thường cần rất nhiều giấy phép và sự phê duyệt từ nhiều cơ quan khác nhau. Sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan có thể làm cho các dự án bị trì hoãn trong thời gian dài, thậm chí có nguy cơ bị hủy bỏ. Trong cuộc gặp gỡ với các DN tư nhân tháng 9/2024 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: "Tháo gỡ cho DN là tháo gỡ cho nền kinh tế. DN phát triển là đất nước phát triển". TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, Thủ tướng đưa ra tuyên bố này để kêu gọi các cơ quan chức năng tập trung giải quyết những khó khăn mà DN đang phải đối mặt, từ đó giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tin cùng chuyên mục