Gỡ vướng, huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều quốc lộ xuống cấp chưa được cải tạo; nhiều tuyến cao tốc mới chỉ có 2 làn xe, nguồn lực nào để đầu tư, nâng cấp? Nhiều dự án BOT đã đầu tư bị vỡ phương án tài chính bao giờ được gỡ vướng? Nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn, nhưng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư lại chuyển sang đầu tư công, nguyên nhân vì sao?...
Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông theo phương thức PPP. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông theo phương thức PPP. Ảnh: Lê Tiên

Những câu hỏi được đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đều hướng đến bài toán làm thế nào để huy động đủ nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội.

Linh hoạt sử dụng các nguồn vốn

Tại phiên chất vấn, nhiều ĐBQH quan tâm đến việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ, các công trình giao thông quan trọng, tuyến cao tốc, đặt vấn đề đối với Bộ trưởng Bộ GTVT về kế hoạch, nguồn lực triển khai.

Trả lời chất vấn của một số ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay một số tuyến đường quốc lộ xuống cấp, thuộc trách nhiệm đầu tư của ngân sách trung ương (NSTW). Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Giao thông đường bộ, đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT. Tuy nhiên, NSTW có hạn, số vốn được giao 1 năm của Bộ GTVT chỉ đáp ứng 66% nhu cầu, ví dụ nhiệm kỳ này nhu cầu đầu tư là 462 nghìn tỷ đồng, ngân sách bố trí 366 nghìn tỷ đồng. Con số 366 nghìn tỷ này đã rất lớn rồi, nhưng cũng không đáp ứng được hết nhu cầu đầu tư, nâng cấp, đặc biệt là quốc lộ.

Bộ trưởng chia sẻ, trong bối cảnh NSTW có hạn, ngân sách địa phương bố trí được nguồn vốn để đầu tư quốc lộ là rất cần thiết. Trong khi chưa có quy định tại Luật, Bộ GTVT đã tham mưu xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế để địa phương có nguồn vốn tham gia cùng NSTW triển khai dự án quốc lộ, đường cao tốc. Trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT đã đưa nội dung này vào. Cơ chế này theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng là rất quan trọng để có nguồn lực đầu tư, nâng cấp kịp thời các tuyến quốc lộ, các công trình thuộc trách nhiệm của NSTW nhưng TW chưa bố trí được nguồn lực.

Đối với một số tuyến cao tốc 2 làn xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc đầu tư các tuyến cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, hay nhiều hơn, là nhu cầu rất đúng đắn cấp thiết. Thủ tướng luôn chỉ đạo cố gắng đầu tư tuyến nào hoàn chỉnh tuyến đó, nhưng trong thời gian qua, do nguồn lực có hạn nên nhiều tuyến chỉ có ngân sách làm 2 làn xe và thực chất các tuyến này trong thời gian đầu lưu lượng xe không lớn. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo trong thời gian tới ưu tiên nguồn ngân sách để nâng cấp các tuyến 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh. Hiện còn 5 tuyến cao tốc 2 làn xe, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu dành nguồn vốn tiếp tục mở rộng.

Số vốn 1 năm ngân sách trung ương giao cho Bộ Giao thông vận tải chỉ đáp ứng 66% nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: Q.Định

Số vốn 1 năm ngân sách trung ương giao cho Bộ Giao thông vận tải chỉ đáp ứng 66% nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: Q.Định

Cần sớm gỡ khó cho dự án BOT cũ

Theo ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai), thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của ngành giao thông, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ GTVT đầu tư bằng NSNN tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Đại biểu Lê Hoàng Anh nêu dẫn chứng, cử tri phản ánh và bức xúc khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm thì Bộ GTVT đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, thực tiễn có một số nhà đầu tư làm dự án BOT, sau đó Nhà nước mở các tuyến nhánh, tuyến tránh song song, dẫn đến bị chia sẻ lưu lượng. Theo Bộ trưởng, trong quá trình phát triển của đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không tính toán hết được vấn đề này. Cách đây 10 - 15 năm, nhu cầu phát triển rất lớn, nguồn lực có hạn, Nhà nước tạo mọi điều kiện mời gọi nhà đầu tư. Đến nay, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lại cần đầu tư các tuyến đường mới, dẫn đến nhiều dự án đầu tư trước bị ảnh hưởng.

Lấy ví dụ từ khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành, tuyến BOT trên Quốc lộ 1 song song đầu tư trước đó giảm 83% doanh thu, Bộ trưởng cho biết, sắp tới khi hoàn thành toàn bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhiều dự án sẽ bị chia sẻ lưu lượng, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Sắp tới, khi trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên tuyến cao tốc, Bộ GTVT sẽ tham mưu trình cơ chế xử lý các tuyến BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến tránh.

Đối với những dự án BOT đầu tư từ giai đoạn trước bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT đã lập đoàn công tác đi khảo sát tại các địa phương, hoàn thiện các thủ tục cơ chế xử lý 8 dự án BOT đang có vấn đề trình Chính phủ. Sau đó, nếu Chính phủ yêu cầu chỉnh sửa, Bộ GTVT sẽ chỉnh sửa, để hoàn thiện báo cáo UBTVQH.

Tiếp tục chất vấn, một số ĐBQH cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT vẫn chưa rõ thời gian xử lý được các vướng mắc, trong khi doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản, đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn để doanh nghiệp yên tâm.

Đối với những dự án BOT đầu tư từ giai đoạn trước bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT đã lập đoàn công tác đi khảo sát tại các địa phương, hoàn thiện các thủ tục cơ chế xử lý 8 dự án BOT đang có vấn đề trình Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, có trạm xử lý được rồi, có trạm cần tiếp tục đàm phán, không chỉ đàm phán với nhà đầu tư, mà còn với ngân hàng. Nhiều dự án không do lỗi của nhà đầu tư, của Nhà nước, mà do nhu cầu thực tiễn phát sinh, do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến phải phát triển tuyến đường mới. Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước và cũng không có tiền, Bộ đang làm hết sức mình, làm sao tháo gỡ triệt để, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. “Nhà nước căn cứ quy định pháp luật và hợp đồng để xử lý với những dự án BOT bị ảnh hưởng doanh thu,” ông Thắng khẳng định.

Thêm giải pháp để hút được vốn tư nhân vào dự án mới

Trước câu hỏi của ĐBQH về việc trong khi cần thu hút nguồn vốn tư nhân, ngân sách không bố trí đủ nhu cầu đầu tư, thì một số dự án PPP lại chuyển sang đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông theo phương thức PPP.

Bộ trưởng khẳng định, nhu cầu đầu tư lớn, rất cần nguồn vốn xã hội hóa, cần giải pháp đồng bộ, tạo được lòng tin cho doanh nghiệp, tạo sự bình đẳng với doanh nghiệp. Trong đó, thể chế cũng cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, theo quy định, doanh thu tăng trên 125% nhà đầu tư phải chia sẻ, giảm dưới 75% thì Nhà nước phải bù, nhưng bù như thế nào, nguồn ở đâu để bù thì chưa rõ. Hay khi thay đổi cơ chế, chính sách, nhà đầu tư băn khoăn các điều khoản chuyển tiếp, chính sách ổn định được bao lâu. Các nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu phải bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sắp tới Bộ GTVT sẽ chủ trì tổ chức hội nghị xúc tiến mời gọi nhà đầu tư, lắng nghe các ý kiến của nhà đầu tư, từ đó tiếp tục tham mưu tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là vấn đề huy động nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển hạ tầng giao thông.

Tin cùng chuyên mục