Gói thầu Xây dựng tuyến suối Cải (Đồng Nai): Hồ sơ mời thầu có hạn chế nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án TP. Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 04 Xây dựng tuyến suối Cải nhánh 1 và công trình trên kênh thuộc tuyến suối Cải nhánh 1 đoạn từ K5+075 đến K6+238 (KF). Có ý kiến cho rằng, một số tiêu chí tại hồ sơ mời thầu (HSMT) chưa thực sự hợp lý.
Gói thầu số 04 Xây dựng tuyến suối Cải nhánh 1 và công trình trên kênh thuộc Dự án Chống ngập úng khu vực suối Cải, TP. Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). Ảnh minh họa: Tiên Giang
Gói thầu số 04 Xây dựng tuyến suối Cải nhánh 1 và công trình trên kênh thuộc Dự án Chống ngập úng khu vực suối Cải, TP. Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). Ảnh minh họa: Tiên Giang

Gói thầu nêu trên có giá 29,9 tỷ đồng, thuộc Dự án Chống ngập úng khu vực suối Cải, TP. Long Khánh với tổng mức đầu tư hơn 334,8 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh Đồng Nai. Gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng, theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Chủ đầu tư là UBND TP. Long Khánh, giao Ban Quản lý dự án TP. Long Khánh tổ chức mời thầu. Gói thầu vừa được mở thầu qua mạng, với sự tham dự của 3 nhà thầu.

Theo tìm hiểu, trong quá trình phát hành HSMT, Gói thầu nhận được một số ý kiến phản ánh liên quan đến những tiêu chí được quy định tại HSMT.

Cụ thể, trong số các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, đối với nội dung đánh giá uy tín của nhà thầu, HSMT yêu cầu nhà thầu phải chứng minh uy tín thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trong vòng 3 năm trở lại đây (2017, 2018, 2019). Theo đó, để được đánh giá đạt, nhà thầu phải cung cấp bản kê khai danh mục các công trình đã thực hiện trong 3 năm gần đây (gồm các nội dung: tên và số hợp đồng, ngày khởi công, ngày hoàn thành và có xác nhận của bên giao thầu trong trường hợp thi công hoàn thành và quyết toán không đúng thời gian trong hợp đồng, kèm theo hợp đồng, biên bản nghiệm thu hoặc thanh lý và các tài liệu khác để chứng minh). Trong đó, không có hợp đồng chậm tiến độ hoặc bỏ dở, quyết toán chậm hơn thời gian quy định do lỗi của nhà thầu.

Một nhà thầu cho rằng, HSMT quy định như trên là vô cùng khắt khe, gây khó cho nhà thầu. Tuy nhiên, Bên mời thầu cho rằng, những yêu cầu này chỉ mang tính chất liệt kê để rà soát năng lực của nhà thầu, không ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Bên cạnh đó, về tiêu chí nhân sự chủ chốt huy động cho Gói thầu, HSMT yêu cầu nhà thầu tham dự phải đáp ứng số lượng 1 cán bộ phụ trách an toàn lao động có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành bảo hộ lao động. Theo quan điểm của một số nhà thầu, tiêu chí này chưa thực sự phù hợp với thực tế thi công. Thay vào đó, HSMT sẽ hợp lý và gia tăng tính cạnh tranh hơn khi yêu cầu chức danh kỹ sư chuyên ngành xây dựng có chứng chỉ an toàn lao động và có kinh nghiệm thực tế, đã phụ trách công tác an toàn lao động trước đây.

Theo lý giải của Bên mời thầu, đây là gói thầu thi công thoát lũ quy mô lớn, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương với hệ thống sông, suối, bờ vực trũng dày đặc, khi thi công rất dễ xảy ra mất an toàn lao động. Vì vậy, việc HSMT yêu cầu nhà thầu phải có cán bộ chuyên ngành bảo hộ lao động nhằm bảo đảm sự an toàn cao nhất trong thi công.

Theo một chuyên gia đấu thầu, trong trường hợp này, Bên mời thầu hoàn toàn có thể xây dựng HSMT theo hướng “mở” hơn, nhằm thu hút tối đa số lượng nhà thầu tham dự. Cụ thể, đối với nội dung đánh giá uy tín của nhà thầu, thay vì yêu cầu nhà thầu phải cung cấp bản kê khai chi tiết danh mục các công trình đã thực hiện trong 3 năm gần đây, HSMT có thể yêu cầu nhà thầu cam kết không có hợp đồng không hoàn thành mà do lỗi của nhà thầu trong khoảng thời gian này.

Cũng theo vị chuyên gia trên, đối với tiêu chí về nhân sự, vì cán bộ phụ trách an toàn lao động chỉ là chức danh phụ, do đó, Bên mời thầu có thể xem xét điều chỉnh tiêu chí theo hướng không gây hạn chế nhà thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục