Hà Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với lợi thế vị trí là cửa ngõ của vùng Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Nam đang định hướng xây dựng quy hoạch tỉnh để trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, y tế và chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề nghiệp và du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hà Nam định hướng phát triển thành trung tâm du lịch của Việt Nam và khu vực với loại hình du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái - sáng tạo - nhân văn. Ảnh minh họa: Internet
Hà Nam định hướng phát triển thành trung tâm du lịch của Việt Nam và khu vực với loại hình du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái - sáng tạo - nhân văn. Ảnh minh họa: Internet

Chiều 19/1, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi cho Dự thảo hồ sơ Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo khung định hướng quy hoạch tỉnh Hà Nam, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ dựa vào khai thác các lợi thế về vị trí địa lý liền kề với TP. Hà Nội, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện.

Các động lực tăng trưởng quan trọng trong thời gian tới được tỉnh Hà Nam chỉ rõ là dựa vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, đô thị, dịch vụ thương mại (du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế, trung tâm mua sắm lớn) và nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển chung của Vùng và cả nước.

Theo phân tích, đến năm 2020, Hà Nam hiện có 7/8 khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch đã được triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản đồng bộ trên diện tích 2.143 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 72,39%, cao hơn mức bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng là 12,6%; tỷ suất đầu tư của các dự án trong KCN bình quân đạt 4,6 triệu USD/ha, cao gấp 1,2 lần so với mức bình quân của Vùng.

Dựa trên tiềm năng và lợi thế này, Hà Nam định hướng tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, đặc biệt là phát triển sản xuất công nghiệp trong các KCN. Theo tính toán của Tỉnh, trong thời kỳ quy hoạch, nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao của Tỉnh là rất lớn, nhất là nhu cầu mở rộng diện tích KCN (dự kiến trên 3.500 ha vào năm 2030).

Hà Nam cũng định hướng phát triển dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp với các dự án đầu tư hạ tầng xã hội đồng bộ, phục vụ hoạt động các KCN, khu công nghệ cao, các dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân các KCN, khu công nghệ cao.

Ngoài ra, trong thời kỳ quy hoạch, Hà Nam định hướng phát triển thành trung tâm du lịch của Việt Nam và khu vực với loại hình du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái - sáng tạo - nhân văn dựa trên trọng tâm là Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, các trung tâm nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bố trí khoảng 6 - 10 sân golf.

UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi cho Dự thảo hồ sơ Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Trang Nguyễn

UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi cho Dự thảo hồ sơ Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Trang Nguyễn

Đánh giá về mô hình phát triển của tỉnh Hà Nam đang định hướng lựa chọn, TS. Ngô Trung Hải cho rằng, mô hình phát triển chuỗi thích ứng từ đô thị - công nghiệp - nông nghiệp - du lịch kết hợp với các không gian xanh đệm về mong muốn và xu hướng phát triển của tỉnh Hà Nam là hợp lý, phù hợp với xu thế mới. Tuy vậy, cần có những đổi mới về mô hình hỗn hợp đô thị - công nghiệp cũng như nông nghiệp như thế nào để thông minh và bền vững.

Với định hướng phát triển KCN, TS. Ngô Trung Hải gợi ý, có thể dịch chuyển mô hình KCN tập trung theo xu hướng cấu trúc mới. Cấu trúc mới này có thể hỗn hợp giữa sản xuất - thương mại - đào tạo và nghiên cứu phát triển - triển lãm và vui chơi giải trí hoặc mô hình hỗn hợp khác thông minh hơn. Cấu trúc mới lại mô hình KCN nhằm khuyến khích các mô hình công nghiệp công nghệ cao kết hợp công nghiệp sáng tạo đem đến giá trị gia tăng cao và nhanh hơn mô hình cho thuê đất như hiện nay.

Theo TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tại (Bộ Giao thông vận tải), Hà Nam đang định hướng phát triển Tỉnh dựa trên lợi thế về vị trí địa lý của liền kề với TP. Hà Nội. Vậy Hà Nam có cần đưa vào trong Quy hoạch Tỉnh những định hướng phát triển địa phương trở thành đô thị vệ tinh cho Thủ đô Hà Nội hay không? Nếu có định hướng này thì Hà Nam cần quy hoạch rõ quỹ đất cho mục tiêu phát triển đó như thế nào, TS. Lê Đỗ Mười gợi ý.

Đối với hạ tầng liên kết vùng tỉnh, trong quy hoạch tỉnh Hà Nam đang lãng quên trục đô thị của Vành đai 5, mà đây sẽ là trục giao thông được dự báo là giải tỏa lớn cho vùng Thủ đô Hà Nội. Nếu quy hoạch của Hà Nam nhìn rõ được vai trò và xây dựng quy hoạch bám theo được trục đô thị của Vành đai 5 thì có thể liên kết, kết nối Cảng Hải Phòng, rồi tương lai có những trục kết nối tới Quảng Ninh; hình thành chuỗi du lịch đô thị xanh ở Vành đai 5...

Để chuẩn bị được bản quy hoạch tỉnh hoàn thiện, trình cơ quan thẩm định, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị, tỉnh Hà Nam cần phải làm rõ và sắc nét hơn nữa các quan điểm phát triển và các trụ cột chính giúp Tỉnh hiện thực hóa được quan điểm phát triển đó. Việc lựa chọn công nghiệp hay dịch vụ là trọng tâm phát triển của Tỉnh không có nghĩa là sẽ bỏ quên lĩnh vực nông nghiệp, hay sao nhãng các lĩnh vực khác mà chỉ là vấn đề làm rõ hơn các động lực chính, giúp Tỉnh phát triển nhanh hơn với các mục tiêu đặt ra trong quy hoạch.

Ngoài ra, trong các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển, tỉnh Hà Nam cũng cần lưu tâm tới tính liên kết trong phát triển; trước mắt có thể nhìn thấy rõ là sự liên kết giao thông, bám theo các trục phát triển của các địa phương lân cận để xây dựng quy hoạch.

Với định hướng hiện tại trong Dự thảo hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam là phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong đó có phát triển du lịch, mặc dù Hà Nam có những lợi thế riêng trong phát triển du lịch nhưng với vị trí địa lý gần Hà Nội, những vấn đề phát triển dịch vụ lưu trú du lịch là một thách thức vì du khách có thể đến Hà Nam nhưng lại không chọn lưu trú lại. Bên cạnh đó, các vấn đề phát triển vận tải hành khách, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, thăm thú, mua sắm… để giữ chân du khách cũng là thách thức không nhỏ nếu lựa chọn tập trung phát triển du lịch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý thêm.

Tin cùng chuyên mục