Đoàn công tác của Bộ Chính trị làm việc với thành phố Hà Nội về tinh giản biên chế. Ảnh: TT. |
Ngày 17/9, đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ông Phạm Minh Chính làm Trưởng đoàn đã làm việc với Thành ủy Hà Nội về kết quả thực hiện nghị quyết tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức (nghị quyết 39 của Bộ Chính trị).
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, ở khối các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội của thành phố, sau sắp xếp đã giảm được 9 đầu mối phòng, ban; giảm 9 đơn vị sự nghiệp; giảm 9 cán bộ cấp trưởng phòng, ban; giảm 20 cán bộ cấp phó phòng, ban. Hà Nội cũng đã hợp nhất Đảng bộ Khối doanh nghiệp và Đảng bộ Khối du lịch và hiện còn 4 Đảng bộ Khối trực thuộc Thành ủy.
Khối các cơ quan trực thuộc UBND thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành sắp xếp, kiện toàn thành 22 Sở và tương đương. Sau sắp xếp, đã giảm được 46 phòng ban, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở đã giảm từ 401 xuống còn 208 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%).
Bà Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, thành phố sẽ đảm bảo không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị, kiên quyết sắp xếp, hợp nhất, giải thể những đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả kéo dài hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức lại các đơn vị theo hướng giảm chi ngân sách, tăng dần tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn kinh phí.
Trong năm 2016, Hà Nội giảm 1,5% biên chế công chức được giao (141 biên chế). Dự kiến sang năm 2017, khối cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội của thành phố sẽ giảm tiếp 69 biên chế so với hiện nay. Khối cơ quan chính quyền sẽ giảm 704 hợp đồng có chỉ tiêu đã tồn tại nhiều năm, tinh giản biên chế 115 cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020-2021 giảm tối thiểu 10% so với biên chế được.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải thông tin thêm, cán bộ công chức của Hà Nội hiện trên 14.000 người, và mức chi tiền lương khoảng 1.500 tỷ đồng. Về chi tiền lương, trong dự toán ngân sách đầu năm có phân bổ tiền lương. Tuy nhiên, trong năm không tuyển đủ, phần tiền lương đó lại trả về cho năm sau. Sở Tài chính đang kiến nghị nếu định biên chính xác, đầy đủ, phần đó sẽ dùng để tăng thu nhập cho người lao động.
Giám đốc Sở cho rằng, nếu triển khai rà soát đánh giá tuyển dụng đúng người, đúng năng lực phẩm chất, nhưng không cải cách tiền lương thì rất khó thu hút được người tài. Vì vậy, thành phố đã cho áp dụng cơ chế tăng thu nhập bằng cách khoán chi, trên cơ sở đó, nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo: có đơn vị nhờ tiết kiệm chi thường xuyên nên đã tăng thêm thu nhập được 2 triệu đồng/tháng cho người lao động...
Hàng nghìn thí sinh nộp hồ sơ thi công chức thuế Hà Nội năm 2014. Ảnh: Bá Đô
Trưởng Ban Tổ chức Phạm Minh Chính cho biết, quá trình khảo sát tại một số địa phương, vấn đề bức xúc đầu tiên người dân, cử tri phản ánh là bộ máy các cơ quan chồng chéo, nhiều tầng lớp, trong khi hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; thứ hai là suy thoái về đạo đức, tác phong, lối sống; thứ 3 là vấn đề tham nhũng của những người có chức, có quyền.
Ông Chính cho rằng, nếu giải quyết được tốt cơ chế vận hành, công tác cán bộ thì công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái mới hiệu quả. Muốn tăng niềm tin nhân dân, cử tri thì phải đi thẳng vào giải quyết những bức xúc người dân phản ánh.
Để việc tinh giản biên chế có hiệu quả, lãnh đạo Ban tổ chức đề nghị thành phố tập trung vào những lĩnh vực chi tiêu nhiều ngân sách (như y tế, giáo dục, nông nghiệp); các đơn vị sự nghiệp; hội, đoàn; tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước (nếu làm được, các sở, ngành chỉ còn khoảng 50-60% biên chế); sắp xếp lại các ban quản lý dự án, văn phòng của các ban đảng; tinh giản bộ máy biên chế cấp xã, quy định lại chức năng nhiệm vụ cấp xã theo hướng gọn, nhẹ; nghiên cứu sáp nhập các phòng, ban.