![]() |
Nhiều quận, huyện của Hà Nội đã và đang đưa quỹ đất ra đấu giá để chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cụ thể. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Nguồn thu lớn từ đấu giá đất
Tại Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I/2025 diễn ra đầu tháng 4, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, chỉ tiêu thu tiền từ ĐGQSDĐ năm 2024 là 25.105 tỷ đồng, đến ngày 26/11/2024 ước thu được 18.599 tỷ đồng, đạt 74,08% chỉ tiêu. Ước tính từ đầu năm 2025 đến tháng 3/2025, Thành phố thu từ ĐGQSDĐ khoảng 6.860 tỷ đồng, đạt 34% chỉ tiêu năm 2025.
Theo tìm hiểu, hoạt động đấu giá tại các huyện ven Hà Nội “nóng” lên, đặc biệt trong 4 tháng cuối năm 2024. Dẫn chứng tại huyện Phúc Thọ, cách trung tâm TP. Hà Nội gần 40 km về phía Tây Bắc, phiên đấu giá 39 lô đất tại 2 xã Trạch Mỹ Lộc và Lộc Thọ ngày 29/8/2024 ghi nhận giá trúng đấu giá cao nhất là 60 triệu đồng/m2 (gấp 2,5 lần giá khởi điểm); phiên đấu giá 47 thửa đất ở khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc ngày 10/9/2024 có mức trả giá lên tới 69,8 triệu đồng/m2; phiên đấu giá 13 thửa đất tại khu Dộc Tranh ngày 16/9/2024 ghi nhận giá trúng đấu giá kỷ lục 75 triệu đồng/m2 (gấp hơn 3 lần giá khởi điểm).
Sức nóng của thị trường bất động sản dẫn tới việc nhiều lô đất đấu giá được bán với giá cao, gấp nhiều lần giá khởi điểm, chênh lệch khá nhiều so với mặt bằng chung của khu vực. Mức trúng đấu giá cao bên cạnh việc mang lại thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước thì cũng bộc lộ bất cập, trong đó có tình trạng trả giá cao rồi bỏ cọc, ảnh hưởng đến nhiều bên. Đơn cử, tại cuộc đấu giá 27 thửa đất ở khu Đống Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương, quận Hà Đông (mức trúng đấu giá kỷ lục hơn 262 triệu đồng/m2 với diện tích 57,5 m2, gấp gần 8,2 lần giá khởi điểm), hết thời hạn nộp tiền sử dụng đất theo quy định, chỉ có 5 người nộp đủ tiền sử dụng đất, còn 22 trường hợp đã bỏ cọc.
Hướng tới nhà đầu tư tổ chức, hạn chế bỏ cọc
UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện quy định, trong đó hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư.
UBND TP. Hà Nội nêu rõ, phương án ĐGQSDĐ được quyết định theo từng dự án cụ thể và điều chỉnh phù hợp với thực tế. Mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy đầu tư phát triển các khu đô thị, nhà ở theo hướng hiện đại, đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong đó, ĐGQSDĐ chủ yếu phục vụ triển khai dự án đầu tư nhằm hình thành các khu đô thị, nhà ở văn minh, hiện đại.
Trường hợp ĐGQSDĐ để giao đất ở cho cá nhân, UBND Thành phố sẽ xem xét, quyết định theo từng dự án, phù hợp với định hướng phát triển chung và đặc thù từng khu vực, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Với định hướng này, huyện Phúc Thọ và một số quận, huyện khác đã và đang đưa nhiều quỹ đất ra đấu giá để lựa chọn tổ chức kinh tế, nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ngày 21/4, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt sẽ phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ tổ chức ĐGQSDĐ để thực hiện Dự án Xây dựng khu nhà ở thấp tầng tại khu Đồng Cá, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ. Tổng mức đầu tư Dự án là 818,397 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là 404,287 tỷ đồng và vốn đầu tư Dự án dự kiến là 414,110 tỷ đồng. Khu đất thực hiện Dự án có diện tích 44.994 m2, trong đó diện tích đất đấu giá là 15.423,78 m2 (đất ở) tại các ô đất có ký hiệu LK-01 đến LK-10. Diện tích đất còn lại để xây dựng nhà ở xã hội (3.919,53 m2, không tổ chức đấu giá) và đất công cộng, dịch vụ, cây xanh. Giá khởi điểm của vòng 1 là 26,211 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước tham gia đấu giá là 80,857 tỷ đồng.
Ngày 9/5/2025, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức sẽ phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản tổ chức ĐGQSDĐ thực hiện Dự án Xây dựng nhà ở thấp tầng để bán thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất ĐGQSDĐ xã Lại Yên - vị trí X6, huyện Hoài Đức. Giá khởi điểm là 427,907 tỷ đồng. Tiền đặt trước 85,581 tỷ đồng. Thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ từ ngày 8 - 23/4/2025.