Hà Nội tái khởi động Dự án Trấn Sông Hồng

(BĐT) - Do chưa đạt được đồng thuận giữa các bên trong vấn đề trị thủy, Dự án Trấn Sông Hồng (còn gọi là Song Hong City) đã phải dừng lại 22 năm kể từ ngày được nhà đầu tư Singapore đề xuất. Mới đây, UBND TP. Hà Nội đang có kế hoạch tái khởi động lại Dự án.
Hà Nội đang có kế hoạch khởi động lại Dự án Trấn Sông Hồng
Hà Nội đang có kế hoạch khởi động lại Dự án Trấn Sông Hồng

Rục rịch lại Dự án sau 22 năm

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản yêu cầu các Sở và UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình thực hiện phần nhiệm vụ đã được giao liên quan đến dự án Trấn Sông Hồng, sau đó, gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố. Đây là một trong những động thái đầu tiên của Thành phố về việc khởi động lại Dự án. 

Trước đó, Dự án Trấn Sông Hồng (Song Hong City) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 từ năm 1995 với quy mô khoảng 6 ha tại hồ Nghĩa Dũng, phường Yên Phụ, dự tính sẽ là một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn.

Đề xuất Dự án khi đó là một nhà đầu tư đến từ Singapore với ý tưởng xây dựng Dự án tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương. Đơn vị này cũng thành lập Liên doanh Công ty CP Phát triển đô thị Trấn Sông Hồng để thực hiện dự án với vốn điều lệ 61 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề trị thủy nên Dự án đã phải dừng lại.

Sau đó, Hà Nội đã phối hợp với Thủ đô Seoul của Hàn Quốc thực hiện quy hoạch "thành phố ven sông Hồng". Các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra các giải pháp thoát lũ cho sông Hồng khi thực hiện quy hoạch "siêu đô thị" gồm có: Xây dựng tuyến đê mới dài 41,7 km dọc sát lòng sông, gia cố 33,8 km đê hiện có; lập kế hoạch xây dựng kè trên mực nước dài 73,2 km, xây dựng 40,6 km kè bảo vệ phần dưới nước, xây dựng mỏ hàn tại 3 khu vực và 12 điểm; nạo vét lòng sông ở mực nước thấp khoảng 21,7 triệu m3. Tổng kinh phí chỉnh trị sông là 581,2 triệu USD. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa giải quyết vấn đề lũ sông Hồng vì những tác động của việc điều chỉnh lũ sông Hồng là vô cùng khó lường. Do chưa được các Bộ, ngành liên quan chấp thuận nên dự án vẫn chưa thể triển khai.

Giải quyết tốt đê điều và ứng phó lũ

Như vậy, vấn đề trị thủy hiện là một trong những khúc mắc lớn nhất của Dự án. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đấu thầu, Thạc sĩ, chuyên gia cầu đường Hoàng Minh Sơn - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) lại cho rằng, Dự án hoàn toàn khả thi nếu đảm bảo được một số yêu cầu liên quan đến quy hoạch, đáp ứng chính sách pháp luật…và quan trọng hơn là có phương án xử lý đê điều, trong đó có giải pháp ứng phó lũ của dòng sông.

Ông Sơn phân tích, Dự án cần đảm bảo yếu tố đồng bộ trong việc quy hoạch dự án với hai bên bờ sông vì khu đô thị mang tính đặc thù nên cần được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, định hướng giao thông theo mô hình phát triển quy hoạch riêng của khu đô thị đó đồng thời đảm bảo hài hòa với quy hoạch chung của thành phố Hà Nội.

“Hiện nay, tình trạng giao thông của thành phố đang tồn tại những bất cập đó là người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân là chính, trong khi phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế. Nếu khu đô thị ven sông được hình thành thì nên áp dụng theo TOD (Transit Oriented Development) để hạn chế ùn tắc giao thông, mang lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng dân cư và giảm ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông cá nhân gây ra”, ông Sơn nêu quan điểm.

Mặt khác, đây là khu đô thị nằm ven sông, phía ngoài đê nên cần có sự nghiên cứu kỹ yếu tố đặc thù về vị trí địa lý nhằm đảm bảo hài hòa nhu cầu giao thông giữa khu đô thị với hệ thống giao thông lân cận.

Tuy nhiên, giải pháp ứng phó với lũ của dòng sông theo ông Sơn là quan trọng nhất đối với tính khả thi của Dự án. Dòng sông Hồng được bắt nguồn từ Trung Quốc và được tạo thành từ hợp lưu của nhiều con sông trước khi chảy qua Hà Nội, do đó khi triển khai chúng ta cần lưu ý các giải pháp chống lũ và kiểm soát được cao độ mực nước ảnh hưởng đến khu dân cư.

Ông Sơn lưu ý, việc trị thủy đồng thời cần đảm bảo yếu tố môi trường, phát triển đô thị nhưng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên của con sông và khu vực xung quanh hai bên bờ sông, việc nắn chỉnh 2 bên bờ sông (nếu có) cần được nghiên cứu trên cơ sở khoa học để không ảnh hưởng đến vùng hạ lưu sông, các di tích lịch sử đền, chùa miếu mạo… trên 2 bờ sông và tốt về mặt phong thủy.

Tin cùng chuyên mục