Dự án có tổng mức đầu tư 408,93 triệu USD sẽ nâng cấp, cải tạo 676 km đường tại 14 tỉnh, 2.174 cầu tại 50 tỉnh trong thời gian từ 2016-2021 |
Cú hích cho giao thông nông thôn
Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho quá trình đàm phán Hiệp định vay vốn cho Dự án LRAMP với Ngân hàng Thế giới (WB) đã được các bộ, ngành liên quan cơ bản hoàn tất. Quá trình đàm phán được dự báo là khá thuận lợi khi công trình được kỳ vọng là tạo ra “cú hích” cho việc phát triển hạ tầng giao thông khu vực nông thôn và miền núi đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của WB.
“Chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hoàn tất các thủ tục để có thể tiến hành kiến đàm phán, ký kết Hiệp định vào ngày 10-11/3 tới đây”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết.
Trước đó, vào giữa tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương, vay vốn WB do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản và điều phối chung.
Cụ thể, Dự án có tổng mức đầu tư 408,93 triệu USD gồm 385 triệu USD vay vốn ODA từ WB và 23,93 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam sẽ nâng cấp, cải tạo 676 km đường; bảo dưỡng thường xuyên 61.109 km đường tại 14 tỉnh; xây dựng 2.174 cầu dân sinh tại 50 tỉnh trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021.
Với quy mô vốn, phạm vi công việc triển khai, đây là dự án hạ tầng đường bộ vay vốn WB lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam có mục tiêu xây dựng cầu dân sinh, đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 – 2020. Trong quá khứ, WB đã tài trợ 5 dự án hạ tầng đường bộ tương tự nhưng có quy mô vốn nhỏ hơn là WB1, WB2, WB3, WB4 và VRAMP góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông khu vực nông thôn Việt Nam.
Được biết, các tuyến đường được chọn để khôi phục, nâng cấp và bảo dưỡng tại Dự án này thuộc các địa phương: Lào Cai, Hà Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Kạn, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lạng Sơn, Cao Bằng và Bình Định. Cơ chế thực hiện hợp phần này là Bộ GTVT đóng vai trò là bộ chủ quản và điều phối chung; UBND các tỉnh là cơ quan chủ quản các dự án thành phần.
Trong khi đó, các cầu treo dân sinh được lựa chọn đều nằm trong Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảọ an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020 theo Quyết định số 2529/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vừng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020, bao gồm các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Dương, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước, Trà Vinh, Đồng Nai, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp và Bến Tre.
Tại hợp phần này, Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là chủ dự án.
Cơ hội cho các nhà thầu dân doanh
Cũng giống như nhiều công trình sử dụng vốn vay WB, tại Dự án LRAMP, ngoài các doanh nghiệp dân doanh, các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam được tham dự nếu thoả mãn các yêu cầu sau: độc lập về pháp lý và tài chính; hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; không phải là đơn vị thuộc Bộ GTVT hoặc thuộc UBND tỉnh có dự án; không phải là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
WB sẽ bác bỏ đề nghị trao hợp đồng, huỷ bỏ phần vốn vay, hoặc quy định hình thức phạt cụ thể nếu bất cứ lúc nào nhà tài trợ này xác định được có các hành động tham nhũng, gian lận, thông đồng hay ép buộc liên quan đến quá trình tuyển chọn và thực hiện hợp đồng.
Điểm đặc biệt trong công tác lựa chọn nhà đầu, theo kế hoạch hành động của Dự án đã được các bộ, ngành liên quan thống nhất, tất cả các hồ sơ dự thầu chào vượt dự toán vẫn được xem xét.
Theo các chuyên gia, với yêu cầu kỹ thuật không cao (tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam) và quy mô đại đa số gói thầu vừa phải (từ 0,5 đến 1,5 triệu USD), Dự án LRAMP thực sự là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xây dựng bởi ngoài việc nâng cao chất lượng các tuyến đường giao thông, WB đặc biệt quan tâm đến mục tiêu phát triển nhà thầu tư nhân cỡ nhỏ.
Kinh nghiệm từ các dự án sử dụng vốn vay của WB cho thấy, đã có nhiều nhà thầu có tên tuổi ở địa phương khởi nghiệp thành công từ các gói thầu quy mô nhỏ này.
“Trong đó, ngoài cơ hội việc làm, những kinh nghiệm trong việc thực hiện bài thầu theo thông lệ quốc tế, cách xử lý các tình huống tại dự án ODA là những thu hoạch giá trị”, một lãnh đạo Ban quản lý dự án 6 cho biết.