Hài hòa ưu tiên ngắn hạn với mục tiêu dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - So với đầu nhiệm kỳ, nền kinh tế ở thời điểm hiện tại đã chuyển trạng thái rõ rệt với những thay đổi rất tích cực, bền vững, chủ động. Sức khỏe nội tại của nền kinh tế được củng cố thực chất, đủ sức vượt qua những “sóng to gió lớn” chưa từng có, cũng như tạo nền tảng, tạo đà cho con đường thực hiện những mục tiêu dài hạn mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm 2016 - 2019 đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19. Ảnh: Phú An
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm 2016 - 2019 đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19. Ảnh: Phú An

Trong ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo nhiệm kỳ 2016 - 2020 của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ. Các ý kiến đều đánh giá rằng đây là một nhiệm kỳ rất thành công trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), thành công của nhiệm kỳ vừa qua là nhờ sự phối hợp chung của các cơ quan. Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ đã làm đúng vai và rất tròn vai. Nền kinh tế đã chuyển trạng thái rõ rệt, từ một nền kinh tế ở đầu nhiệm kỳ có nhiều điểm nguy hiểm như nợ công gần kịch trần, nợ xấu báo động cao, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào dầu thô, vốn tín dụng, khoáng sản, đến nay đã thay đổi một cách căn bản. Nợ công giảm xuống còn 55% GDP, chất lượng tăng trưởng được nâng cao, huy động tín dụng ổn định. Các yếu tố về dự trữ của nền kinh tế ổn định, ví dụ xuất khẩu, từ chỗ cán cân thương mại âm đã thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng. Nền kinh tế từ trạng thái bị động đã chuyển sang chủ động hơn. Niềm tin của nhân dân tăng lên, xã hội ổn định, vị thế quốc gia tăng lên rất rõ…

Đối với Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao sự sâu sát của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh (đoàn Ninh Bình), Chính phủ đã thể hiện sự cầu thị, lắng nghe, tôn trọng các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, có trách nhiệm giải trình cao và đã rất năng động trong điều hành. Đại biểu Hoàng Văn Cường thì cho rằng, nhiệm kỳ qua đã cho thấy một Chính phủ hành động, phản ứng nhanh, kịp thời, lãnh đạo Chính phủ đã biết khơi dậy ý chí khát vọng cho các tầng lớp nhân dân, tạo thành sức mạnh to lớn vượt qua khó khăn. Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), từ sự sâu sát, lắng nghe doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã đưa ra những quyết sách xuất phát từ thực tiễn, xử lý được nhiều vấn đề mới phát sinh.

Đa số các ý kiến đánh giá Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò, góp phần đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử. Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Chính nền tảng được củng cố giúp giảm nhẹ những tác động từ nhiều biến động trên thế giới, từ những cú sốc lớn, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Thực tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã thể hiện quan điểm chỉ đạo không chỉ nhằm đạt tăng trưởng cao trong ngắn hạn, mà phải đồng thời giải quyết được những vấn đề dài hạn, phát triển bền vững. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019 chính là “của để dành”, góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ luôn hài hòa cân đối giữa những ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn. Cùng với các mục tiêu ngắn hạn như tăng trưởng, việc làm và lạm phát thì các vấn đề dài hạn như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững... đều được quan tâm đúng mực.

Góp ý thêm vào báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, từ đó làm rõ trách nhiệm, có giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới. Đại biểu Nguyễn Thị Phong Lan (đoàn TP.HCM) lưu ý, thành công trong chống dịch Covid-19 được nói đến nhiều, nhưng từ tác động của dịch mới thấy rõ ảnh hưởng tới các tầng lớp người dân, doanh nghiệp nên cần phân tích kỹ hơn để có giải pháp hỗ trợ đúng đối tượng.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu thì gợi mở một số vấn đề lớn mà Chính phủ cần lưu ý trong nhiệm kỳ tới như nên lựa chọn những điểm nghẽn lớn để tập trung chỉ đạo điều hành, tạo ra những chuyển biến rõ rệt hơn; nên tăng cường phân cấp phân quyền; cần theo đuổi mục tiêu nền kinh tế số, xã hội số bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát cấp dưới, tạo sự chuyển động của toàn hệ thống, tránh Chính phủ quyết liệt nhưng xuống tới cấp huyện, cấp xã lại chần chừ, trì trệ.

Tin cùng chuyên mục