Hai kế hoạch ngăn Triều Tiên tấn công hạt nhân của Hàn Quốc

Quân đội Hàn Quốc xây dựng hai kế hoạch táo bạo để ngăn chặn đòn tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.
Tiêm kích F-15K là trọng tâm của kế hoạch KC. Ảnh:Flickr.
Tiêm kích F-15K là trọng tâm của kế hoạch KC. Ảnh:Flickr.

Để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, Hàn Quốc đang tăng cường năng lực tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, không quân và thủy quân lục chiến.

Quân đội nước này đã chuẩn bị hai kế hoạch mang tên "Chuỗi tiêu diệt" (KC) và "Trả đũa và Trừng phạt quy mô lớn" (KMPR), huy động hàng trăm tên lửa và đặc nhiệm chạy đua với thời gian để ngăn Bình Nhưỡng tung ra đòn tấn công hạt nhân hủy diệt, theo National Interest.

Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định Seoul không sở hữu vũ khí hạt nhân, khiến họ có rất ít lựa chọn đối phó với Bình Nhưỡng. Thay vì phát triển vũ khí hạt nhân răn đe trực tiếp, Hàn Quốc chỉ tăng cường kho vũ khí thông thường gồm máy bay trinh sát RQ-4 Global Hawk, khí tài tình báo - do thám - trinh sát (ISR), lực lượng đặc nhiệm cùng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên như Nodong và Musudan đều sử dụng bệ phóng di động, rất khó bị phát hiện và tiêu diệt. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng đang phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm để tăng khả năng tấn công phủ đầu.

Quân đội Hàn Quốc không thể nhắm vào các bệ phóng tên lửa trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Thay vào đó, Seoul sẽ nhắm vào mắt xích then chốt của Bình Nhưỡng là hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân, bao gồm cả ban lãnh đạo và mạng lưới thông tin liên lạc.

Cốt lõi của KMPR là khả năng phát hiện dấu hiệu Triều Tiên chuẩn bị tấn công hạt nhân. Các máy bay trinh sát RQ-4 Global Hawk Block 30 và RC-800 sẽ được triển khai để giám sát và nghe lén thông tin liên lạc ở Triều Tiên. Mục đích là phát hiện dấu hiệu như các bệ phóng tên lửa được triển khai và phân tán, giới lãnh đạo Triều Tiên sơ tán khỏi thành phố, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo rời căn cứ.

Ngay khi xác nhận đối phương chuẩn bị tấn công hạt nhân, chính phủ Hàn Quốc sẽ triển khai kế hoạch "Chuỗi tiêu diệt". Đặc nhiệm Hàn Quốc, dưới sự hỗ trợ của không quân Mỹ, sẽ được tung vào Triều Tiên để thăm dò địa điểm nghi là trận địa tên lửa đạn đạo. Họ sẽ sử dụng vũ khí hạng nặng để phá hủy trận địa hoặc ẩn mình, chỉ điểm cho tên lửa hành trình và không quân tập kích.

hai-ke-hoach-ngan-trieu-tien-tan-cong-hat-nhan-cua-han-quoc-1
Tên lửa hành trình có thể nhắm vào trung tâm chỉ huy của Triều Tiên. Ảnh:Wikipedia.

Hỏa lực chính trong kế hoạch KC là tiêm kích chiến thuật, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Không quân Hàn Quốc có khoảng 60 chiến đấu cơ F-15K Slam Eagles, loại tiêm kích tốt nhất trên bán đảo Triều Tiên. Chúng được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất AGM-84E SLAM-ER với tầm bắn 274 km. Mục tiêu của AGM-84E là loại bỏ bệ phóng di động, khí tài hỗ trợ và hệ thống phòng không Triều Tiên.

Seoul cũng có thể tiêu diệt hệ thống chỉ huy của đối phương bằng tên lửa hành trình Taurus KEPD 350 của Đức. Hàn Quốc đã mua 260-270 tên lửa loại này để tích hợp lên tiêm kích F-15K. KEPD 350 là tên lửa hành trình cận âm với tầm bắn gần 500 km, có thể tấn công mục tiêu phía bắc Bình Nhưỡng khi được phóng đi từ Seoul. Đầu đạn tối tân của tên lửa này có thể phá hủy hầm ngầm kiên cố.

Hàn Quốc cũng có thể sử dụng tên lửa Hyunmoo trong kế hoạch KC. Phiên bản Huynmoo-2B là tên lửa đạn đạo có tầm bắn gần 500 km, có thể bao trùm hầu hết lãnh thổ Triều Tiên. Mẫu Hynmoo-2C mới có tầm bắn tới 800 km, đủ xa để tiêu diệt mọi mục tiêu quan trọng trên toàn lãnh thổ Triều Tiên.

Nhiều khả năng Hyunmoo-2B/C sẽ được dùng để phá hủy căn cứ quân sự và trụ sở chính quyền ở Bình Nhưỡng, cũng như các căn cứ tên lửa trên khắp Triều Tiên. Ngoài ra, biến thể tên lửa hành trình Hyunmoo-3B cho phép Hàn Quốc tấn công tầm xa mà không cần triển khai tiêm kích F-15K.

Khi kế hoạch KC được khởi động, hàng trăm tên lửa mang đầu đạn thông thường và máy bay sẽ được tung vào Triều Tiên để săn lùng mục tiêu, phá hủy bệ phóng tên lửa di động, ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoặc phá hủy phương tiện liên lạc. Đây là chương trình đầy tham vọng, cũng là một trong số ít kế hoạch răn đe thông thường để đối phó vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Trong khi đó, KMPR là kế hoạch dự phòng nhằm phá hủy vũ khí hạt nhân và vô hiệu hóa khả năng lãnh đạo của Triều Tiên. Về cơ bản, đây là phiên bản cải tiến của kế hoạch KC, nhưng tập trung vào việc ám sát lãnh đạo đối phương.

hai-ke-hoach-ngan-trieu-tien-tan-cong-hat-nhan-cua-han-quoc-2
Lính đặc nhiệm thuộc đơn vị Spartan 3000 của Hàn Quốc. Ảnh:Funker.

Theo kế hoạch KMPR, Hàn Quốc sẽ huy động 3.000 lính thủy quân lục chiến xâm nhập Triều Tiên trong nhiệm vụ mang tính tự sát. Đơn vị có biệt danh "Spartan 3000" được huấn luyện để loại bỏ hệ thống chỉ huy thời chiến của Bình Nhưỡng, khiến nó bị tê liệt hoàn toàn. Nhiều khả năng đơn vị này sẽ tiến hành đổ bộ tập kích thẳng vào Bình Nhưỡng nếu chiến tranh nổ ra.

Tuy nhiên, khả năng đưa ra kết luận chính xác về việc Triều Tiên tấn công hạt nhân của Hàn Quốc vẫn là một dấu hỏi lớn. Kế hoạch KC và KMPR khi được phát động có thể khơi mào chiến tranh Triều Tiên lần hai, một cuộc chiến gần như không có hồi kết, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hai miền Triều Tiên bị tàn phá trong nhiều năm. Điều này đặt ra áp lực khổng lồ với các lãnh đạo quân đội và tình báo Hàn Quốc.

Tin cùng chuyên mục