Dân Trung Quốc tụ tập biểu tình trước một cửa hàng KFC ở tỉnh Giang Tô. Ảnh: AP |
Như thường lệ, mỗi khi có căng thẳng với các nước khác, tại Trung Quốc lại diễn ra các phong trào biểu tình lớn để thể hiện tinh thần "ái quốc". Những đợt biểu tình mới đây kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mỹ và Philippines, sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông, là một minh chứng nữa cho xu hướng này, theo Les Echos.
Gần đây, hàng nghìn người Trung Quốc đã tập hợp trước các nhà hàng đồ ăn nhanh KFC tại ít nhất 11 thành phố để biểu tình với cáo buộc Mỹ đứng sau phán quyết bất lợi cho Trung Quốc mà Tòa Trọng tài vừa đưa ra. Họ giơ cao các biểu ngữ "KFC và McDonald’s hãy cút khỏi Trung Quốc". Một số người biểu tình thậm chí còn quấy rối thực khách bên trong các nhà hàng này.
Những hình ảnh khác trên Internet cho thấy người Trung Quốc tuần hành trên đường, mang theo các dải băng hô hào lòng yêu nước, đập vỡ những chiếc điện thoại iPhone, đồng thời kêu gọi không tiêu thụ xoài khô có nguồn gốc từ Philippines.
Chuyên gia Jean-François Di Meglio, giám đốc trung tâm nghiên cứu Asia Centre, cho rằng phong trào phản đối cực đoan kiểu này khiến dư luận thế giới nhớ lại các cuộc biểu tình bạo lực chống Nhật năm 2012 của người dân Trung Quốc, sau khi Tokyo quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Đám đông thậm chí còn hành hung trọng thương một người Trung Quốc lái chiếc xe hơi mang thương hiệu Nhật.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình chống Mỹ và Philippines ở Trung Quốc lần này chưa kịp lan rộng đã nhanh chóng lắng xuống khi bị chính quyền và cảnh sát ngăn cản quyết liệt. Những hình ảnh được công bố trên mạng cho thấy cảnh sát Trung Quốc thuyết phục người biểu tình giải tán, tịch thu tất cả các băng rôn của họ, huy động lực lượng canh gác tại những địa điểm nhạy cảm.
"Những ai tổ chức các hoạt động như thế mà không tiến hành các thủ tục cần thiết, và những ai quấy nhiễu người khác nhân danh lòng yêu nước cần phải bị xét xử theo pháp luật", China Dayly ngày 20/7 tuyên bố.
Theo giới quan sát, chính quyền Bắc Kinh ban đầu tỏ ra cổ vũ tinh thần dân tộc chủ nghĩa, nhưng sau đó phải tìm cách hạ nhiệt và làm dịu tình hình vì lo ngại phong trào biểu tình sẽ gây ra những thiệt hại không đáng có.
Ông Meglio cho rằng động thái này của chính quyền Bắc Kinh phản ảnh lập trường phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài mà nước này đã áp dụng từ trước tới nay. Theo lập luận của Bắc Kinh, nếu phán quyết "không có giá trị", thì người dân không có lý do gì để biểu tình phản đối.
"Bình thường những cuộc biểu tình kiểu này diễn ra khi có một sự kiện bị cho là chống lại Trung Quốc, nhưng lần này thì khác. Chính quyền Bắc Kinh coi như phán quyết của Tòa Trọng tài không tồn tại và không có giá trị", ông Meglio khẳng định.
Trung Quốc bồi đắp cải tạo trái phép đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Digital Globe
Vào buổi sáng ngày Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết, Bắc Kinh tung ra một video ca nhạc với tựa đề "Vụ kiện Biển Đông, ai quan tâm?" Video ghép nối hình ảnh các chiến hạm Trung Quốc cùng hàng loạt đoạn clip nhỏ quay cảnh những người trẻ tuổi nước này thể hiện sự "không quan tâm" tới phán quyết bằng cách lặp đi lặp lại câu "Biển Đông, ai để ý?" trên nền nhạc điện tử.
Hãng thông tấn Xinhua cũng lên tiếng chỉ trích các cuộc biểu tình chống Mỹ và Philippines, cho rằng đây không phải là cách thức đúng đắn để bày tỏ lòng yêu nước.
Theo Meglio, sau khi tòa ra phán quyết, Bắc Kinh cũng rất hạn chế phát biểu về sự kiện này, bởi họ càng phản đối thì càng khiến phán quyết của Tòa Trọng tài càng thêm vững chắc.
Giới phân tích cho rằng một lý do nữa khiến Trung Quốc phải nhanh chóng dập tắt các cuộc biểu tình chống Mỹ là vì Bắc Kinh lo ngại căng thẳng liên quan đến phán quyết Biển Đông lên quá cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hợp tác kinh tế với Washington.
Phản ứng của Trung Quốc cho thấy chính quyền nước này vẫn muốn có nhiều không gian để xoay xở sau phán quyết. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ không có các động thái phản ứng quá gay gắt có thể dẫn đến tình trạng đối đầu với Mỹ, ngoài việc công khai bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài.
Với tư cách là nước đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-20 vào đầu tháng 9, từ nay đến thời điểm đó, Bắc Kinh sẽ tìm cách làm dịu tình hình và phản ứng một cách thận trọng, nhằm tìm cơ hội đàm phán, tránh việc ngày càng đánh mất thể diện trên trường quốc tế.
"Chính quyền Trung Quốc đang chơi trò chơi thăng bằng, khi vừa khơi dậy tinh thần dân tộc vừa tìm cách ổn định trật tự xã hội. Cách làm này vừa giúp họ thể hiện thái độ bác bỏ phán quyết của tòa quốc tế, nhưng cũng không đẩy tình hình đi quá xa", Meglio nhận định.