Hàng nghìn địa chỉ đất công kém hiệu quả tại TP.HCM: Chờ cơ chế chống lãng phí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với việc triển khai tổng kiểm kê tài sản công, TP.HCM đang mở ra cơ hội để giải quyết bài toán đất công bỏ hoang, đồng thời thu về nguồn ngân sách lớn phục vụ cho phát triển đô thị.
Đối với những tài sản công đang bỏ hoang, TP.HCM dự kiến bán đấu giá để thu ngân sách. Ảnh: Đình Sơn
Đối với những tài sản công đang bỏ hoang, TP.HCM dự kiến bán đấu giá để thu ngân sách. Ảnh: Đình Sơn

Kể từ ngày 1/1/2025, TP.HCM triển khai việc kiểm kê toàn bộ tài sản công, đất công, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2025. Đồng thời, kết quả kiểm kê dự kiến công bố tháng 7/2025. Theo đó, phạm vi tổng kiểm kê bao gồm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trong 12 lĩnh vực trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, trên địa bàn Thành phố hiện quản lý khoảng 13.000 địa chỉ nhà, đất công. Trong đó, có hơn 2.000 địa chỉ do các cơ quan trung ương quản lý và gần 11.000 địa chỉ thuộc TP.HCM quản lý. “Qua rà soát cho thấy, TP.HCM vẫn còn khoảng 1.000 địa chỉ nhà, đất công sử dụng kém hiệu quả, gần như đang bỏ không, gây lãng phí nguồn lực, tạo nên bộ mặt xấu cho đô thị”, ông Hải cho biết.

Thực tế, ghi nhận của phóng viên cho thấy, chỉ tính riêng tại các quận trung tâm (Quận 1, Quận 3, Quận 5, quận Bình Thạnh, Quận 10…), hàng trăm địa chỉ, trụ sở nhà đất, tài sản công với diện tích lớn, vị trí “vàng” đang bị bỏ không hàng chục năm qua vì nhiều lý do. Dễ thấy nhất là khu đất “vàng” hàng nghìn m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (Quận 1) đang được trưng dụng làm bãi giữ xe. Cách đó không xa là khu đất tại 2-4-6 Hai Bà Trưng (diện tích hơn 6.000 m2) bị bỏ trống, cỏ mọc um tùm. Cũng trên địa bàn Quận 1 còn có hàng loạt đất công tại các vị trí như số 33 Nguyễn Du (hơn 6.000 m2); 42 Chu Mạnh Trinh. Tọa lạc tại 3 mặt tiền khu đất “vàng” Quận 5 (Trần Phú - Trần Nhân Tông - Lê Hồng Phong), khu đất hơn 3 ha cũng xuống cấp, rêu phong, không được sử dụng…

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, do thiếu cơ chế thuê đất công nên trong suốt nhiều năm qua, Thành phố vẫn tồn tại nhiều tài sản giá trị bỏ hoang, lãng phí. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định về việc UBND cấp tỉnh ban hành mức giá cho thuê tối thiểu đối với nhà, tài sản thuộc sở hữu nhà nước phục vụ cho mục đích kinh doanh. Do đó, TP.HCM không có cơ sở ban hành biểu giá cho thuê nhà, tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh. Trên địa bàn Thành phố, qua kiểm kê sơ bộ, còn rất nhiều địa chỉ tài sản công, thuộc sở hữu nhà nước đang trong tình trạng lãng phí, quản lý không hiệu quả, dẫn tới mất mỹ quan đô thị. Sở Xây dựng TP.HCM đã kiến nghị Thành phố phê duyệt thí điểm đấu giá cho thuê các cơ sở, nhà đất công này theo tiêu chí bảo đảm công khai, minh bạch, giá cho thuê sát giá thị trường, để phát huy giá trị nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thực tế, theo ông Hải, Sở Tài chính đang trình Đề án triển khai về quản lý tài sản công, sẽ tập trung phân tích và đưa ra các khuyến nghị để bảo đảm khai thác hiệu quả các tài sản công song song với Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, thực hiện theo Quyết định 213/QĐ-TTg năm 2024. Ông Hải cho biết, quá trình tổng kiểm kê tài sản công sẽ giúp TP.HCM đánh giá toàn diện hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản công, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực này.

Đặc biệt, đối với khoảng 1.000 tài sản công đang trong tình trạng lãng phí, bỏ hoang, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá để thu ngân sách. Đối với các tài sản chưa thể tiến hành đấu giá, sẽ xây dựng đề án để cho thuê tạm thời trong thời gian chờ đầu tư mới. “Đây đều là các vị trí đắc địa, TP.HCM tin rằng bán đấu giá hay cho thuê tạm thời để phục vụ mục đích kinh doanh đều có tính khả thi cao, hấp dẫn nhà đầu tư. Các đề án này cần phải tiến hành đồng thời với quá trình sắp xếp lại các sở, ngành sẽ sắp xếp, tinh gọn, để có những tính toán đưa các trụ sở công tối ưu hóa hiệu quả sử dụng, có tính đồng bộ, bền vững. TP.HCM sẽ có thêm nguồn thu phục vụ mục đích đầu tư phát triển, đồng thời cải thiện bộ mặt đô thị trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục