Hành trình đào thoát của hai lính Mỹ khỏi vòng vây phiến quân Iraq

Bị tụt lại sau một đợt phục kích của phiến quân, hai binh sĩ Mỹ đã chiến đấu đến cùng và đào thoát ngoạn mục khỏi vòng vây phiến quân Hồi giáo.

Torres khi đang làm việc tại công ty xây dựng quốc phòng tại San Antonio. Ảnh:Rolling stone

"Không bao giờ được bỏ mặc một người lính lại phía sau, bất kể còn sống hay đã chết", là điều mỗi quân nhân Mỹ đều được học và phải ghi nhớ và cũng chính là những gì hai lính lục quân Fernando Torres và Stuart Redus đã trải qua trong vòng vây của phiến quân Hồi giáo tại Iraq, theo Rolling Stone.

Năm 2003, khi cuộc chiến tại Iraq nổ ra, trung sĩ Torres, 35 tuổi và Redus, 41 tuổi được điều động vào tiểu đoàn công binh số 84, đóng quân tại Anaconda, phía bắc Balad, Iraq.

Cuối tháng 4/2003, tiểu đoàn 84 được giao nhiệm vụ đưa một phân đội lính Vệ binh quốc gia Alabama từ căn cứ Abu Ghraib ở Baghdad đến Kuwait trên một tuyến đường nguy hiểm, nơi thường xuyên bị phiến quân Hồi giáo phục kích.

Redus và Torres ngồi trên chiếc xe tải số 28 trong đoàn xe có 33 chiếc dưới sự chỉ huy của trung úy Facundo Funes. Xe tải của họ chở theo thùng hàng chứa đầy vũ khí nhưng không được bọc thép, trong khi hệ thống liên lạc của họ chỉ là những chiếc máy bộ đàm cầm tay.

Khi vượt qua cây cầu bắc qua sông Tigris để tiến vào thị trấn Al Amarah, đoàn xe bất ngờ rơi vào ổ phục kích của phiến quân. Chiếc xe tải của Redus và Torres bị chết máy sau khi trúng đạn chống tăng, trong khi những chiếc xe còn lại tăng tốc để thoát khỏi trận địa phục kích. Những người lính trên số xe đi phía sau nói rằng họ không hề nhìn thấy Redus và Torres đang gặp rắc rối ở vệ đường.

Hai trung sĩ này đã gào thét vào bộ đàm để cầu cứu, nhưng không nhận được tín hiệu phản hồi. Đoàn xe hộ tống đi xa dần, Redus và Torres buộc phải tự thoát ra khỏi xe, nổ súng chống trả phiến quân và lùi dần vào một tòa nhà đang xây dở nằm ở rìa phía bắc thị trấn. 

Cả hai đã cố thủ tại đây trong điều kiện thiếu thốn vũ khí và nước uống. Vũ khí của họ chỉ là súng ngắn và súng trường cá nhân, trong khi đối phương huy động lực lượng áp đảo mang theo súng máy, súng phóng lựu, tên lửa vác vai và cả súng phòng không tầm thấp để bao vây và quyết bắt sống họ.

Redus với vết thương ở tay khi đào thoát. Ảnh:Rolling stone

Trong khoảng hơn ba tiếng cầm cự, Redus và Torres tiêu diệt được 13 phiến quân. Một tay súng vòng ra phía sau khu nhà, định bắn lén Redus, nhưng đã bị Torres tiêu diệt.

Khi trời tối, vòng vây của phiến quân dần siết chặt, Redus nảy ra ý tưởng nhảy từ căn phòng của họ xuống ao cạn cạnh tòa nhà, nơi không có lính bao vây, từ độ cao khoảng 9 m.

Sau khi tiếp đất, Redus thì bị hàng rào theo gai cắt rách tay, mũi bị thương, còn Torres bị thương nặng ở lưng khi ngã vào đống sắt và bê tông. Torres đã yêu cầu Redus bỏ mình lại, nhưng Redus không đồng ý và dìu Torres cùng chạy trốn.

"Anh đùa tôi à, tôi sẽ không bao giờ bỏ anh ở lại. Anh sẽ đi với tôi. Sau tất cả những gì chúng ta đã phải trải qua", Redus nói.

Men theo cống thoát nước khoảng gần 2 km, Redus và Torres gặp một chiếc xe ôtô dân sự và uy hiếp để tài xế chở họ về phía Anaconda. Trên đường đi, họ gặp trạm kiểm soát Jersey của cảnh sát Iraq, nơi cả hai được đưa trở về trại Anaconda.

Về phía đội hộ tống, sau khi thoát khỏi ổ phục kích, đoàn xe dừng lại làm công tác cứu thương và kiểm tra lại quân số. Nhận thấy Redus và Torres mất tích, nhưng trung úy Funes đã không ra lệnh quay lại giải cứu, bất chấp sự phản đối của một số thành viên trong đội.

Sau khi trở về, Redus và Torres phải đối diện với thái độ im lặng của cấp trên, phải tham gia nhiều cuộc điều tra kéo dài hàng tháng. Cơ quan tình báo nghi ngờ câu chuyện của họ. Hai người bị theo dõi, kiểm soát liên tục bởi một đội canh gác có vũ khí. 

Sau khi xác minh, Redus và Torres chỉ nhận được sự tuyên dương, khen ngợi của quân đội về sự dũng cảm, trong khi họ hoàn toàn đủ điều kiện để nhận huân chương danh dự Trái tim Tím.

Câu chuyện của Redus và Torres được được công bố vào tháng 8/2016, khi những chỉ huy trực tiếp của họ đã nghỉ hưu. Chuyến hộ tống mà hai trung sĩ này tham gia được giới quân sự gọi là "chuyến đi địa ngục" và coi đó là một thảm họa của lực lượng quân đội Mỹ tại Iraq.

Tin cùng chuyên mục