Người ủng hộ ông Trump đến dự một cuộc vận động tranh cử ở thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina. Ảnh: New York Times |
Paula Barche Rupnik, 58 tuổi, cử tri phe Cộng hòa ở Scottsdale, bang Arizona, dự tính bỏ phiếu cho thượng nghị sĩ John McCain để giúp ông tái đắc cử trong kỳ bầu cử thượng viện Mỹ diễn ra cùng ngày bầu cử tổng thống 8/11. Tuy nhiên, bà thay đổi quyết định vào cuối tuần trước sau khi ông McCain tuyên bố rút lại ủng hộ dành cho ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump.
Thay vào đó, bà định bỏ phiếu cho tỷ phú Trump và nghị sĩ đảng Dân chủ Ann Kirkpatrick, đối thủ của ông McCain trong cuộc đua giành ghế ở thượng viện đại diện cho bang Arizona. Rupnik chưa từng bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Dân chủ nào trước đây.
"Tôi muốn gửi một thông điệp đến John McCain. Nếu Trump không đắc cử, các cử tri Mỹ ủng hộ Trump sẽ đổ lỗi cho những người Cộng hòa không ủng hộ ông", bà Rupnik nói.
Đòn trừng phạt bắt nguồn từ cơn giận dữ của Rupnik cho thấy tình thế bế tắc mà các lãnh đạo đảng Cộng hòa đang đối mặt khi họ bước vào 4 tuần vận động tranh cử cuối cùng, theo New York Times.
Đòn chí mạng
Theo bình luận viên Maggie Habermana, nếu vẫn gắn chặt với Trump sau bê bối rò rỉ video ông khoe khoang chuyện sờ soạng phụ nữ, các ứng viên đảng Cộng hòa chạy đua giành ghế quốc hội sẽ phải hứng chịu đòn công kích nặng nề từ truyền thông và có thể vì thế mà tiêu tan sự nghiệp. Nhưng nếu họ xa rời Trump, ứng viên đang có lượng người ủng hộ chiếm phần đa trong nhóm cử tri trung thành của đảng Cộng hòa, động thái trên có nguy cơ khiến những cử tri này bỏ rơi đảng và không bỏ phiếu cho những ứng viên chạy đua vào thượng viện.
Nếu Trump gục ngã trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton, thất bại trong những cuộc tranh cử giành ghế tại thượng viện có thể là đòn chí mạng đối với một đảng chính trị đang chao đảo và ra sức tìm kiếm cơ hội củng cố sức mạnh sau cuộc bầu cử tổng thống.
Một cuộc khảo sát do NBC News/Wall Street Journal thực hiện ngay trước cuộc tranh luận tổng thống hôm 9/10 cho thấy mức ủng hộ dành cho ông Trump đang hao hụt, giúp bà Clinton vươn lên dẫn trước 11 điểm trên toàn quốc.
Tuy vậy, Trump vẫn sở hữu những người ủng hộ trung thành theo ông đến cùng. Giới quan sát đánh giá thông điệp mang tính dân túy của một người vốn đứng ngoài chính trường bấy lâu nay có thể trái ngược với hoàn cảnh xuất thân của ông nhưng lại nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ đông đảo cử tri, đặc biệt là những người Cộng hòa thuộc tầng lớp lao động đang thất vọng với giới tinh hoa trong đảng và bất mãn sâu sắc với lập trường của Tổng thống Mỹ Barack Obama về các vấn đề chăm sóc sức khỏe hay nhập cư.
"Thiết chế cầm quyền đảng Cộng hòa đang cố nắm giữ quyền lực và McCain là một trong số đó", Rupnik nói.
Đây cũng là chủ đề được nhắc đến phổ biến trong các cuộc phỏng vấn doNew York Times thực hiện hôm 9/10 với những người ủng hộ Trump tại Arizona và New Hampshire, hai bang đang có các cuộc đua giành ghế thượng viện sít sao nhất. Nhiều người đã tỏ thái độ coi thường những nghị sĩ đảng Cộng hòa rút lại ủng hộ dành cho Trump.
Stephen Cotta, 61 tuổi, cựu binh hải quân Mỹ, ở Tempe, bang Arizona, mô tả ông McCain như "kẻ phản bội" và đồng tình với quan điểm của Trump rằng McCain "không phải anh hùng thời chiến". Ông Cotta cũng cho biết sẽ bỏ phiếu cho bà Kirkpatrick vào thượng viện.
"Bạn có thể thấy McCain và Clinton không quá khác nhau về quan điểm. Đó chính là lý do vì sao họ đối đầu cứng rắn như vậy với Trump", ông Cotta nhận xét.
Vera Anderson, 75 tuổi, ở Phoenix, bang Arizona, cho hay trước đây, bà bỏ phiếu cho McCain nhưng giờ đây quyết định phản đối khi biết ông quay lưng lại với Trump.
"Tôi thực sự phân vân về việc bỏ phiếu cho McCain. Tôi không muốn nhưng chuyện vừa qua đã khiến tôi đưa ra quyết định: tôi sẽ không bỏ phiếu cho ông ấy trong cuộc tổng tuyển cử này", bà quả quyết.
Anderson phớt lờ cơn phẫn nộ từ dư luận xung quanh đoạn video ghi lại những phát ngôn dung tục của Trump về phụ nữ.
"Không ai muốn nghe những thứ như thế nhưng với tôi, đó là vấn đề không quan trọng nên tôi hoàn toàn chẳng để tâm. Bạn biết đấy, đối với tôi, đây là câu chuyện riêng tư trong phòng thay đồ của cánh đàn ông. Ai muốn chỉ trích việc này, hãy tự xem lại mình trước", bà nói.
Phẫn nộ
Người ủng hộ ông Trump hô hào bên ngoài tòa tháp Trump Tower ở Manhattan, New York. Ảnh: Reuters
Nỗi căm giận tương tự cũng xuất hiện ở những người ủng hộ ông Trump ở bang New Hampshire, nơi thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kelly Ayotte đang so kè quyết liệt trước đối thủ đảng Dân chủ, thống đốc Maggie Hassan. Bà Kelly Ayotte là thượng nghị sĩ đầu tiên lên tiếng rút lại ủng hộ dành cho Trump sau khi đoạn video được công bố.
"Tôi nghĩ đảng Cộng hòa đã tự loại mình khỏi cuộc đua tại thượng viện", Buddy Greene, thợ xây 48 tuổi ở Center Harbor, bang New Hampshire, chia sẻ. "Họ không quan tâm đến các vấn đề của người dân ở đất nước này", Greene than vãn.
Greene khẳng định bà Ayotte đã đánh mất sự ủng hộ của ông. Song ông cũng biết Ayotte chối bỏ Trump vì bị thúc đẩy quá mức bởi động cơ chính trị. Greene tiết lộ sẽ bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử thượng viện sắp tới.
Greene cho hay ông ngưỡng mộ phong cách nói chuyện của Trump, đồng thời tin tưởng rằng sẽ có các cơ chế "kiểm soát và cân bằng" để ngăn ông hành động bốc đồng với tư cách tổng thống.
Khi một thiếu niên, đang nghe cuộc phỏng vấn giữa Greene với phóng viên New York Times, tranh luận rằng bà Clinton giàu kinh nghiệm chính trị hơn, Greene cười rồi nói: "Đó là lý do tôi thích Trump. Ông ấy không có kinh nghiệm chính trị. Tôi muốn thay đổi".
Một số người khác ủng hộ ông Trump ở bang New Hampshire nói họ vẫn bỏ phiếu cho bà Ayotte nhưng với tâm thế miễn cưỡng.
Một trong những người này là Eric Granfors, tài xế xe tải ở thành phố Nashua. "Bà Kelly Ayotte tự nhiên xuất hiện và nói không ủng hộ Trump nữa. Tôi nghĩ bà ấy là kẻ phản bội. Bạn biết rõ việc Trump vướng phải rất nhiều thứ xấu xí suốt thời gian qua. Đến giờ, thêm một đoạn ghi âm nữa và bà ấy nói đấy là nguyên nhân khiến bà thôi ủng hộ ông ấy. Coi vậy được sao?", Granfors chất vấn.
Bà Kelly Ayotte, ứng viên ghế thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện cho bang New Hampshire. Ảnh: AP