GTN có trong tay hàng nghìn ha diện tích sản xuất chè nhờ nâng sở hữu tại Vinatea lên 95%. |
Sáng nay (28/3), đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017 của Công ty cổ phần GTNfoods (GTN) đã diễn ra tại Hà Nội sau một loạt những thương vụ mua lại, hợp nhất, sáp nhập (M&A) đình đám năm 2016 và đầu năm 2017.
Theo nhận định của ông Michael Louis Rosen – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GTN, năm 2016 là năm bản lề tạo bước ngoặt cho công ty này với việc tăng vốn tổng cộng khoảng 100 triệu USD để sở hữu 95% Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) và 65% Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), trong đó, Vilico sở hữu 51% Sữa Mộc Châu.
Cụ thể, vào năm ngoái, ĐHĐCĐ của GTN đã đồng ý để công ty phát hành tăng vốn điều lệ 748 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng. Nguồn tiền huy động được sử dụng để mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các dự án đầu tư, M&A các DN trong ngành, đầu tư vào công ty con, DN cùng ngành, tăng cường vốn lưu động…
Trong đó, thương vụ mua bổ sung cổ phần Vinatea để nâng sở hữu từ 75% lên 95% tốn kém 162,8 tỷ đồng; mua cổ phần Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex) chiếm tỷ lệ 35% tốn 37,3 tỷ đồng. Đáng kể là khoản 799,5 tỷ đồng ứng trước mua cổ phần của Vilico…
Nhờ đó, tại thời điểm 31/12/2016, giá trị tổng tài sản hợp nhất của GTN đạt 3.206 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.820 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 183% so với cuối năm 2015.
Tuy nhiên, các hoạt động này cũng khiến các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 của GTN không đạt kế hoạch năm đề ra với mức hoàn thành lần lượt đạt 73% và 16%, đạt lần lượt 1.821 tỷ đồng doanh thu và 16,3 tỷ đồng lợi nhuận (giảm 13,7% và 72% so với thực hiện năm 2015).
Theo giải trình của Ban điều hành, bên cạnh việc cắt giảm nguồn lực và đầu tư tại các hoạt dộng sản xuất kinh doanh không trọng tâm khiến doanh thu giảm so với kế hoạch, chi phí gia tăng phát sinh từ quá trình tái cấu trúc và xử lý hàng tồn kho, khoản nợ đọng lâu ngày từ công ty con mới tiếp quản là Vinatea cũng khiến lợi nhuận sụt giảm.
Ngoài ra, việc hoàn thành M&A công ty con Vilico tại ngày 3/1/2017 muộn hơn dự kiến cũng khiến các chỉ tiêu thực tế không đạt kế hoạch.
Năm 2017, GTN đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 117% so với năm 2017, đạt 3.950 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất sau thuế mục tiêu 225 tỷ đồng, tăng 1.280% so với 2016 (trong đó lợi nhuận cổ đông công ty mẹ 70 tỷ đồng, tăng 337,5%). Cũng kể từ năm này, hơn 95% doanh thu của GTN sẽ đến từ hoạt động sản xuất trực tiếp liên quan tới ngành sữa, chè, chăn nuôi lợn – chính thức chuyển đổi mô hình từ công ty đa ngành nghề để chuyên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.
Lý giải cho mục tiêu tham vọng trong năm 2017, trong tài liệu gửi ĐHĐCĐ, GTN nhận định, việc hợp nhất thành công Vilico vào đầu năm 2017 đồng nghĩa với việc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu gián tiếp trở thành công ty con của GTN, kỳ vọng sẽ đưa về mức doanh thu và lợi nhuận cao từ mảng sản xuất kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa.
Ngoài ra, tại mảng sản xuất kinh doanh chè, theo nhận định của lãnh đạo GTN, trong năm 2017, Vinatea sẽ được hưởng lợi nhuận cao do kết quả từ việc phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và quá trình tái cơ cấu giúp cắt giảm chi phí.
Trao đổi với ĐHĐCĐ, ông Michael Louis Rosen nói, GTN không phải là một cổ phiếu để “đánh” hay “lướt sóng” trên thị trường chứng khoán. “Trên thị trường chứng khoán, khẩu vị của nhà đầu tư cá nhân thường thích những câu chuyện lớn và nhanh nhưng là những người điều hành, chúng tôi vận hành DN thực sự rất vất vả để tạo giá trị cốt lõi và thực chất cho DN”, ông Rosen nhìn nhận.
Về những thương vụ M&A trong năm vừa qua, lãnh đạo GTN dí dỏm: “Không phải bao giờ hôn nhân cũng màu hồng, nếu hai bên không có sự chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau thì lãng mạn cũng sẽ ra đi. Dù vậy, rất tuyệt vời khi chúng đã khởi đầu bằng như sự hợp tác với nhau” – ông Rosen chia sẻ với ĐHĐCĐ sau khi cho biết, cá nhân mình cũng đã bắt đầu cuộc hôn nhân thứ hai của mình trong năm qua.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GTN thời gian gần đây trong xu hướng giảm giá. Với mức thị giá quanh mức 15.600 đồng, chỉ trong 1 tuần, cổ phiếu này đã mất giá gần 12% và mất giá hơn 26% trong vòng 1 tháng qua.
Mới đây, GTN đã có văn bản giải trình về việc cổ phiếu liên tục giảm sàn. Theo đó, do chốt kỳ rà soát danh mục VNM ETF quý I/2017, cổ phiếu này đã không lọt vào danh mục mua vào của quỹ VNM, khiến nhà đầu tư thất vọng. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới việc nhà đầu tư tham gia mua đón đầu thông tin đã thực hiện bán ra, tác động lên giá cổ phiếu.