Khách mời tham dự Tọa đàm “Ngành Y vượt khó”. Ảnh: VGP |
Đây là chia sẻ của GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Tọa đàm với chủ đề “Ngành Y vượt khó” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 23/2/2023.
Bệnh viện có thể cầm cự được bao lâu?
Tại Tọa đàm, Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, cũng giống như nhiều bệnh viện hiện nay - trong vòng một tuần nữa sẽ hết hóa chất xét nghiệm (hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu...), Bệnh viện chỉ có thể cầm cự trong khoảng thời gian từ một đến hai tuần nữa.
“Nếu như chúng ta không tháo gỡ, thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được”, ông Giang chia sẻ.
Đối với vật tư tiêu hao, đặc biệt là phục vụ cho phòng mổ cấp cứu (vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...), theo thống kê của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, nhiều vật tư cũng sẽ hết trong vòng một tháng nữa.
Trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến cuối ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Trong năm 2022, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện hơn 79.000 ca mổ. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, tính riêng ngày đầu tiên đi làm sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú là 6.000 bệnh nhân.
Tương ứng với số lượng bệnh nhân là nhu cầu sử dụng vật tư, hóa chất, trang thiết bị cũng gia tăng theo.
Xoay xở đủ cách, song mọi ngả đường đều bế tắc
Cố gắng xoay xở mọi cách để khắc phục khó khăn hiện nay, nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo các bệnh viện, dường như tất cả mọi ngả đường đều bế tắc.
Đối với phương án mua máy, theo ông Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện hiện không có nguồn ngân sách nào để đầu tư. Thậm chí, việc chi trả lương cho công nhân viên từ nguồn chi thường xuyên cũng đang có nguy cơ không đủ, phải sử dụng cả Quỹ Đầu tư phát triển.
Ngay cả khi chấp nhận thuê - mua máy, đi vay, chấp nhận trả thêm tiền bảo hành, bảo trì, hệ thống phần mềm, thì theo GS.TS Trần Bình Giang, các bệnh viện cũng rơi vào bế tắc. “Thời gian để mua được máy, hay đấu thầu theo đúng quy trình, thường phải mất 6 tháng. Một máy xét nghiệm có trị giá hàng chục tỷ đồng sẽ đi kèm với những hóa chất đóng, tức là chỉ có hóa chất của hãng đấy mới sử dụng cho máy được. Khi đấu thầu mua hóa chất sử dụng cho máy đóng, bệnh viện sẽ rơi vào tình trạng chỉ định thầu hóa chất, vi phạm pháp luật”, đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phân tích.
Mặt khác, theo quy định, muốn mua các vật tư tiêu hao thì phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép nhập khẩu, giấy/số đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn, dù đã quá 60 ngày, kể từ thời điểm hết hạn giấy phép theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối ngành hàng này cho biết, nhiều lô hàng vẫn đang chờ ở cảng, có nguy cơ hết hạn sử dụng vì thời hạn sử dụng ngắn, hoặc bị trục xuất về nơi xuất phát. Cho nên, dù có tổ chức đấu thầu hay mua sắm trực tiếp, các bệnh viện cũng không thể mua nổi.
GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Tòa đàm. Ảnh: VGP |
Đối với phương án liên doanh, liên kết, theo chia sẻ của lãnh đạo các bệnh viện, kể cả hợp đồng đã ký hay hợp đồng mới đều khó triển khai. Theo lãnh đạo Bệnh Viện Bạch Mai, hầu hết các thiết bị y tế tại Bệnh viện thực hiện theo hợp đồng liên doanh, liên kết trong 10 năm qua đã hết hiệu lực, nhưng chưa thể tái ký cũng như không thể ký các hợp đồng mới do đang chờ hướng dẫn mới của các cơ quan quản lý nhà nước.
Còn theo lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện không có quy định nào của pháp luật hướng dẫn cụ thể về việc triển khai hình thức này (hồ sơ, cách làm, quy trình các bước để lựa chọn được nhà đầu tư liên doanh, liên kết). Mặt khác, giá trị để đưa vào liên doanh, liên kết không tính được.
Ở một diễn biến khác, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, mới đây, Bộ Y tế ra Văn bản số 517/BYT-BH ngày 7/2/2023 hướng dẫn việc triển khai Khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 của Chính phủ. Theo đó, chỉ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu trước ngày 5/11/2022.
Như vậy, những hợp đồng đã ký sau ngày 5/11/2022 cho đến nay sẽ phải xử lý ra sao là câu hỏi lơ lửng với nhiều lãnh đạo bệnh viện và nhà thầu trúng thầu cung ứng vật tư, hóa chất hiện nay, không ai dám mua hóa chất để làm, nên máy bị bỏ không, “đắp chiếu”, dù nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao.
“Là những người trực tiếp tham gia vào công tác điều trị, khám, chữa bệnh tại một bệnh viện tuyến đầu của đất nước, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho đến nay chúng tôi không thể mình tự xử lý được, không biết cách nào xử lý để các bệnh viện có thể hoạt động được”, GS.TS Trần Bình Giang lo lắng.
Do đó, nhiều đề xuất đã được nêu ra trước thềm Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 diễn ra vào ngày 24/2 tại Trụ sở Chính phủ với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban ngành, địa phương và tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, một trong những yêu cầu cấp thiết nhất là Chính phủ, Bộ Y tế cần sớm gỡ vướng về vấn đề cấp phép nhập khẩu và lưu hành vật tư - thiết bị y tế, cụ thể là ban hành ngay Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP; cơ chế thanh toán phù hợp cho hình thức máy đặt, máy mượn cũng như mua sắm hóa chất đi theo máy…