Hiến kế thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, Bộ Công Thương đề xuất một số chính sách góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngành CNHT nhanh chóng bứt phá. Hiện nước ta có khoảng 5.000 DN CNHT, nhưng mới chỉ có 206 giấy xác nhận ưu đãi được cấp cho các DN có dự án sản xuất sản phẩm CNHT.
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Nhã Chi
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Nhã Chi

Cơ hội lớn, doanh nghiệp nội chưa tận dụng được

Nhìn vào thực trạng phát triển CNHT của Việt Nam, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) đánh giá, thời gian qua, dù đã chủ động mở cửa để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, nhưng ngành CNHT của Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Phần lớn doanh nghiệp (DN) lĩnh vực CNHT có quy mô nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực… “Bởi vậy, mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, song ngành CNHT của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm ốc vít, khuôn nhựa, linh kiện phụ tùng... cho các đối tác nước ngoài”, bà Bình thẳng thắn.

Đại diện Hội hiệp DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, mặc dù cơ hội thị trường của DN CNHT ngành cơ khí trong nước rất lớn, nhưng DN chưa tận dụng được. Nhiều dự án/gói thầu lớn có liên quan đến máy móc, thiết bị vẫn do nhà thầu nước ngoài cung cấp.

“Ngành cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp khác như: hóa chất, giao thông, khai thác dầu khí, nông nghiệp… nên đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, lợi ích ngắn hạn không cao nhưng lợi ích dài hạn là rất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của các DN CNHT ngành cơ khí vẫn gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Tổng thư ký VAMI nêu bất cập.

Đồng quan điểm, ông Cao Thanh Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ 3A+ thừa nhận, việc tiếp cận vốn ngân hàng với các DN lâu nay không hề dễ dàng. Theo ông Đạo, đến thời điểm này, lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn vay vì phải thực hiện nhiều thủ tục nhiêu khê.

Nêu kinh nghiệm hỗ trợ DN CNHT của Trung Quốc, Thái Lan...., các chuyên gia lĩnh vực này đánh giá, tại Việt Nam chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển CNHT đã có, nhưng việc triển khai trên thực tế chưa được bao nhiêu.

Làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp bật lên?

Tại tờ trình về việc tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, Bộ Công Thương cho hay, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 DN CNHT. Các DN có dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển có thể được hưởng ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế thu nhập DN. Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các DN có dự án sản xuất sản phẩm CNHT.

Ngoài chính sách thuế, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Cụ thể là xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT; kết nối, hỗ trợ DN trở thành nhà cung ứng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ thử nghiệm, kiểm định, đo lường chất lượng, giám định và chứng nhận chất lượng sản phẩm công nghiệp...

Về tài chính, Bộ Công Thương đề xuất, trên cơ sở khả năng bố trí ngân sách trong từng thời kỳ, ngân sách trung ương hỗ trợ bằng hình thức cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của DN để thực hiện đầu tư dự án với mức cấp bù chênh lệch lãi suất 3%/năm.

Đánh giá cao giải pháp đề xuất, bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, những chính sách này nếu được thông qua đều rất đáng quý. Tuy nhiên, theo đại diện VASI, cần có những giải pháp về tài chính mạnh hơn nữa. “Muốn CNHT phát triển phải đầu tư mới với giá hợp lý. Lãi suất cho vay giảm nhưng vẫn còn rất cao, cộng thêm thị trường khó khăn thì dù có hỗ trợ cấp bù chênh lệch 3% cũng không có DN nào dám vay để đầu tư CNHT”, bà Bình nêu quan điểm và cho rằng, nếu không có giải pháp tài chính thực sự mạnh thì sẽ khó nhìn thấy sự thay đổi lớn của ngành CNHT Việt Nam.

Đại diện VASI nói thêm, Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 đã thực hiện được nhiều năm, do đó, rất cần có những tổng kết, đánh giá khách quan để tiếp tục có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phù hợp.

Cũng cho rằng cần có giải pháp tài chính hỗ trợ DN CNHT, nhưng theo lãnh đạo Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ 3A+ Cao Thanh, mức hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất không phù hợp với bối cảnh hiện nay khi DN khó đáp ứng điều kiện cho vay. Theo Giám đốc 3A+ Cao Thanh Đạo, để CNHT phát triển, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm như tiếp tục gỡ “rào cản” thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cần có những quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN...

Tin cùng chuyên mục