Hỗ trợ DNNVV sẽ là mối quan tâm lớn của ASEAN

(BĐT) - Hội thảo Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM ngày 19/12/2016 đã cho thấy quyết tâm của các nước ASEAN trong nỗ lực đưa DNNVV tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
DNNVV chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Ảnh: Ngọc Kỳ
DNNVV chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Ảnh: Ngọc Kỳ

Doanh nghiệp là rường cột của hội nhập

Các DNNVV được coi là “xương sống” của nền kinh tế ASEAN. Nhưng xương sống này đang vừa yếu, vừa lỏng lẻo do thiếu tính kết nối. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia về hội nhập của ASEAN. Ông Hồ Quang Trung, Giám đốc Hội nhập thị trường Cộng đồng Kinh tế của Ban Thư ký ASEAN, cho biết, các DNNVV chiếm đến hơn 90% số doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp này vẫn nhỏ (chỉ 10 - 30%).

Nhà nghiên cứu Sitanon Jesdapipat đến từ Đại học Rangsit (Thái Lan) phân tích, hầu hết DNNVV trong khu vực ASEAN đều chưa được trang bị đầy đủ để ứng phó với thực tế kinh doanh mới trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). AEC là một thị trường hội nhập và cơ sở sản xuất thống nhất với hơn 620 triệu dân, có thể mở rộng với hơn 3 tỷ người khi RCEP hình thành. “Cả AEC và RCEP đều mang lại nhiều cơ hội cho DNNVV, cho phép các doanh nghiệp hiện thực hóa quy mô của các nền kinh tế và gia tăng sự tham gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, các FTA ASEAN +1 bao gồm: ASEAN + Trung Quốc, ASEAN + Hàn Quốc; ASEAN + Ấn Độ và ASEAN + Nhật Bản… mới thực sự là những thị trường ngách tốt, là cơ hội đối với các DNNVV, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam. DNNVV cần cải thiện năng suất và công nghệ để nhanh chóng hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng” - ông Jesdapipat nhận định.

Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Masan, Vinamilk, Vietjet Air, Viettel, FPT… đã bán sản phẩm của mình tại nhiều nước trong khu vực ASEAN, thậm chí vươn xa hơn ngoài khu vực. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị kỹ để đón đầu làn sóng hội nhập, các DNNVV sẽ bị thâu tóm, mất thị phần hoặc ngày càng khó khăn. Lúc đó, chuyện vươn ra khu vực lại càng là bài toán khó. “Doanh nghiệp là rường cột của làn sóng hội nhập. Số doanh nghiệp Việt vươn lên kiếm được thị phần ở khu vực không nhiều. Nếu không thể chuyển đổi, thích nghi với môi trường hội nhập, số DNNVV Việt Nam biến mất sẽ không thể đong đếm được” - đại diện Bộ Công Thương quan ngại. 

Nhiều rào cản phải vượt

DNNVV tiếp cận nguồn lực tài chính rất khó khăn. Hiện nay đang tồn tại một khoảng cách lớn trong tiếp cận tài chính ở các nước thành viên ASEAN kém phát triển khi so sánh với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia hoặc Philippines
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Trưởng SEOM (Hội nghị quan chức kinh tế cấp cao ASEAN) Việt Nam cho biết, thực trạng chung của DNNVV Việt Nam hiện nay là thiếu nguồn lực và tài chính để tiếp cận hội nhập. “DNNVV tiếp cận nguồn lực tài chính rất khó khăn. Hiện nay đang tồn tại một khoảng cách lớn trong tiếp cận tài chính ở các nước thành viên ASEAN kém phát triển khi so sánh với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia hoặc Philippines. Bên cạnh đó, DNNVV thiếu nhận thức về môi trường đầu tư, kinh doanh, chưa tận dụng hết cơ hội từ các thị trường tự do” - bà Nga cho biết thêm.

Theo nhiều chuyên gia, năng suất lao động bình quân ở ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng còn thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, cần đào tạo theo hướng chuyên môn hóa hơn trong các DNNVV để giúp nâng cao năng suất lao động lên mức có thể trở thành nhà cung ứng chất lượng trong các chuỗi giá trị toàn cầu. “Kế hoạch Hành động chiến lược ASEAN về Phát triển DNNVV đưa ra 5 chiến lược then chốt: nâng cao năng suất, công nghệ và đổi mới; gia tăng tiếp cận tài chính; nâng cao tiếp cận thị trường và quốc tế hóa; củng cố chính sách và môi trường hành chính; thúc đẩy phát triển doanh nhân và nguồn nhân lực. ASEAN luôn coi trọng cộng đồng DNNVV và sẽ thúc đẩy chương trình hành động này để thúc đẩy DNNVV thực sự phát triển” - ông Hồ Quang Trung nhấn mạnh.

Còn theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, việc xây dựng môi trường xúc tiến, thành lập và phát triển DNNVV được cho là then chốt cho chương trình hành động của Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. “Câu chuyện vốn, tiếp cận tín dụng cho DNNVV trong khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đã nằm trên bàn nghị sự. Lãnh đạo các nước ASEAN đang hết sức coi trọng vai trò của DNNVV cũng như tìm ra những hướng tháo gỡ phù hợp nhằm đưa cộng đồng doanh nghiệp này thành trọng tâm của những chính sách ưu tiên. DNNVV ASEAN sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu là cam kết chung của chúng ta” - bà Nga chia sẻ.