Hỗ trợ doanh nghiệp bám trụ thị trường: Chờ hành động thực chất, mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Sức khỏe” của các doanh nghiệp (DN) chưa được cải thiện, trong khi đó, các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ, thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiêu khê… Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải có những hành động hỗ trợ không chỉ nhanh, mà còn phải thực chất hơn nữa để giúp DN vượt qua khó khăn, thách thức.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 41.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, gần 63.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ảnh: Tuấn Anh
Trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 41.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, gần 63.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ảnh: Tuấn Anh

Lo lắng “sức khỏe” của doanh nghiệp

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, tình hình sức khỏe của các nhà thầu xây dựng vẫn yếu, chưa thấy dấu hiệu tích cực về công việc. Theo ông Hiệp, nguyên nhân chủ yếu là các dự án đầu tư xây dựng mới, nhất là dự án sử dụng vốn tư nhân gần như không có, trong khi cơ hội tham gia các dự án đầu tư công cực kỳ khó.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang cho biết, “sức khỏe” các DN trên địa bàn Tỉnh rất yếu, nhất là DN xi măng, thép do các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng chưa khởi sắc. Trong khi đó, việc thực hiện các thủ tục hành chính chưa hết khó do văn bản pháp luật còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn. Bên cạnh đó, sức mua của người dân còn yếu, DN xuất khẩu rất thiếu đơn hàng...

Báo cáo cập nhật về tình hình đăng ký DN vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, cả nước có hơn 41.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng có gần 63.000 DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh là hơn 49.000 DN, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: “Đây là con số rất đáng lưu tâm, nhất là số DN tạm ngừng kinh doanh ngày càng lớn, trái ngược với thông lệ là số DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường thường cao hơn số DN tạm ngừng hoạt động. Điều này chứng tỏ DN đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều DN phải ngừng sản xuất, kinh doanh để chờ đợi cơ hội mới”.

Giúp doanh nghiệp bám trụ thị trường

Để giúp DN bám trụ thị trường, TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tăng tốc thực hiện các giải pháp để trợ giúp DN tạo động lực kinh doanh.

Theo bà Thảo, các giải pháp đặt ra tại Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đã được triển khai, nhưng chưa nhìn thấy chuyển biến được. “Chúng ta chỉ thấy những chuyển biến ở trong phát biểu và kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương, song thực tế chưa thấy có hành động cụ thể trợ giúp DN. Trong khi đó, điều mong đợi nhất của cộng đồng DN hiện nay là việc cải thiện môi trường kinh doanh bằng những hành động không chỉ nhanh hơn, mà còn phải thực chất hơn nữa, tạo động lực DN gia nhập thị trường cũng như quay trở lại thị trường”, bà Thảo nhấn mạnh.

Thúc đẩy quá trình cải cách hỗ trợ DN phục hồi và phát triển bền vững, hôm nay (29/2), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP với chủ đề: “Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển DN”.

Gửi gắm tới Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương vào cuộc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để khơi thông thị trường, qua đó giúp nhà thầu có thêm nhiều việc làm. “Hiện nay, quy định về cho vay vẫn đang rất phức tạp và chặt chẽ. Do đó, đây tiếp tục là thách thức trong việc tiếp cận vốn với các nhà thầu, nhất là nhà thầu quy mô nhỏ”, ông Hiệp chia sẻ. Bên cạnh đó, ông Hiệp đề nghị các bên liên quan cần quyết liệt vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản dở dang để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế.

Để hỗ trợ DN trụ lại thương trường, nắm bắt cơ hội phát triển, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp khơi thông, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các giải pháp cần tập trung vào việc phát triển nguồn hàng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN, nhất là các DN mới thành lập…

Tin cùng chuyên mục