Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách vẫn nằm trên “giấy”. Ảnh Internet |
Mặc dù chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có nhiều, song việc triển khai thực hiện trên thực tế vẫn gặp rất nhiều vướng mắc, dẫn tới kết quả thực hiện và tác động hỗ trợ từ các chính sách này còn rất hạn chế, phần lớn doanh nghiệp chưa tiếp cận được hỗ trợ từ các chính sách này. Đây là thực trạng đáng lo ngại về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đề cập tại cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đây.
Chính sách không phù hợp với thực tế
Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; phần lớn các tồn tại, bất cập trong triển khai Nghị định 56/2009/NĐ-CP hiện nay là do chính sách hỗ trợ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể; tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ còn chậm, trình tự thủ tục kéo dài; thực hiện manh mún, dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương còn yếu, thiếu cơ chế điều phối trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Cụ thể, theo Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay phần lớn chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đánh giá kết quả, thậm chí, có chương trình không đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp. Đồng thời, thiếu các tiêu chí đánh giá tác động của chính sách đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các chính sách cũng chưa có những ưu đãi rõ ràng như hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công; chất lượng nội dung chưa thực tế…, nên kết quả còn rất hạn chế, không thực sự đúng với nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một điều rất đáng quan ngại là hầu hết các chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến độ triển khai thực hiện rất chậm. “Thường thì thời gian để xây dựng các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện kéo dài 2 - 3 năm như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia gắn với công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập sau hơn 3 năm xây dựng đề án, song đến nay vẫn chưa triển khai vận hành được, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay của Quỹ”, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết.
Đại diện Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ, vấn đề thiếu đồng bộ trong cách tiếp cận về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là nguyên nhân chủ đạo khiến Quỹ này ra đời đã lâu mà không đi vào hoạt động được. “Hiện nay Quỹ này được thiết kế để hướng tới hỗ trợ cho vay với đối tượng chính là doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn yếu về mọi nguồn lực, nhất là vốn tài chính. Vậy mà mức lãi suất mà Bộ Tài chính đưa ra hiện nay vẫn trên 8%, cao một cách hết sức bất hợp lý so với khả năng hoàn trả cả vốn và lãi của doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều này khiến Quỹ khó có thể triển khai hỗ trợ một cách hiệu quả cho doanh nghiệp và dù có triển khai thì khó có doanh nghiệp nhỏ và vừa nào đủ sức tiếp cận nguồn vốn vay từ nguồn này được. Đó là còn chưa kể tới những khó khăn trong quy trình hồ sơ vay vốn từ Quỹ cũng như các nguồn vay ngân hàng thương mại khiến việc tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn gần như là đóng cửa đối với khu vực này”, đại diện Quỹ nhấn mạnh.
Luật hóa đi đôi với cải cách thủ tục hành chính
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ hầu như không biết và không tiếp cận được tới các chính sách này, các chính sách đã có thì manh mún, không đồng bộ nên được ở khâu này thì lại bị tắc ở khâu khác, việc triển khai thủ tục tiếp cận hỗ trợ mang nặng tính xin cho khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ lực để theo đến cùng cho các hỗ trợ này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, đã đến lúc cần phải thực sự luật hóa các hỗ trợ này ở khung pháp lý cao nhất là luật để tạo khung khổ luật pháp về chính sách hỗ trợ cũng như có cơ sở triển khai các hỗ trợ này một cách đồng bộ, thống nhất và thực sự có hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, việc xây dựng luật cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp nhỏ và vừa để xây dựng thì mới có thể đáp ứng một cách đúng và trúng các nhu cầu cần hỗ trợ của khu vực kinh tế chiếm tới 97% toàn bộ nền kinh tế này.
Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, mục tiêu của việc xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay và kế thừa những quy định phù hợp; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm, thực tiễn tốt của các quốc gia trên thế giới về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với đặc điểm, nguồn lực và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giúp các doanh nghiệp tăng trưởng về số lượng và quy mô, bảo đảm cơ cấu hợp lý và tăng trưởng bền vững; tăng cơ hội cho nhóm các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp vừa và lớn.
Bên cạnh đó, Cục Phát triển doanh nghiệp đề xuất, việc luật hóa các hỗ trợ cho khu vực này cần đi cùng với việc đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính một cách đồng bộ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về các thủ tục báo cáo thuế, kê khai thuế, báo cáo kê khai bảo hiểm xã hội, quy trình tiếp cận đất đai, các thủ tục vay vốn, tiếp cận các chương trình hỗ trợ…