Hóa giải thách thức, duy trì đà phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng khó khăn cũng đang bủa vây. Yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy bất định và bất trắc; đồng thời duy trì được đà phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế đặt ra nhiều thách thức trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phục hồi, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là do áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải… Ảnh: Tiến Tân
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phục hồi, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là do áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải… Ảnh: Tiến Tân

Khó khăn bủa vây

Các số liệu kinh tế được công bố cho thấy, kinh tế tháng 7 và 7 tháng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Đây là yếu tố rất tích cực tạo dư địa điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, điều hành giá cho những tháng cuối năm 2022 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), khó khăn, thách thức rất lớn. Trong đó, diễn biến lạm phát, lãi suất, tỷ giá và nguy cơ suy thoái kinh tế của thế giới là thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn.

Thời gian qua, nhiều nền kinh tế lớn thực hiện điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô và biên độ lớn. Đơn cử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có đợt tăng lãi suất lớn bất thường và báo hiệu nhiều đợt tăng khác nhằm chống lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Việc Mỹ cũng như nhiều nền kinh tế lớn điều chỉnh tăng lãi suất làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại toàn cầu; làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư ngắn hạn, có xu hướng rút về và thu hẹp đầu tư…

Bộ KH&ĐT cho biết, tổng vốn FDI đăng ký 7 tháng chỉ bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 56,5%, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá, khả năng thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế lớn có nguy cơ suy thoái làm giảm đáng kể nhu cầu tiêu dùng. Hoạt động xuất khẩu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam gặp thách thức không nhỏ do thị trường bị thu hẹp.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lưu ý, tình hình đơn đặt hàng của nhiều doanh nghiệp sản xuất trong quý III gối sang quý IV bắt đầu giảm. Xu hướng tiêu dùng của thế giới giảm do lạm phát cao hơn đã ảnh hưởng ngay đến đơn đặt hàng của doanh nghiệp cũng như xuất khẩu trong thời gian tới.

Trong khi đó, nội tại nền kinh tế cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết. Đầu tư công, động lực quan trọng cho tăng trưởng, vẫn tiếp tục là điểm nghẽn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là do áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải; diễn biến dịch còn phức tạp, nguy cơ “dịch chồng dịch”…

Kiên quyết không giật cục trong điều hành

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong tình hình mới với những diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn, nhiệm vụ là rất nặng nề. Mục tiêu xuyên suốt là tiếp tục thực hiện nhất quán giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững…

Thủ tướng nhấn mạnh kiên quyết không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột từ cực này sang cực kia, mà luôn chủ động, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Trong nhiều giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài…

Song hành trọng tâm ổn định vĩ mô, Bộ KH&ĐT đề xuất cần thêm các giải pháp để tránh suy giảm sản xuất trong nước cũng như đà phục hồi kinh tế; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao… Theo Bộ KH&ĐT, thu ngân sách nhà nước năm 2021 và 7 tháng năm 2022 đạt kết quả tích cực, tạo dư địa tài khóa để thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân, đặc biệt là các chính sách giảm áp lực chi phí sản xuất, tăng giá.

Theo nhiều chuyên gia, sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đặc biệt là phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhất quán, kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô với tâm lý bình tĩnh, không lo sợ thái quá dẫn đến siết chặt quá mức, cũng không lơ là, chủ quan... là rất quan trọng để nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, tranh thủ được cơ hội trong thách thức.